Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch 13/7

08:34' - 14/07/2020
BNEWS Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 13/7, sau khi số ca nhiễm mới dịch COVID-19 trên toàn cầu ghi nhận mức tăng kỷ lục theo ngày.

Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 13/7, sau khi số ca nhiễm mới dịch COVID-19 trên toàn cầu ghi nhận mức tăng kỷ lục theo ngày, làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ các nước sẽ áp đặt trở lại lệnh phong tỏa xã hội, bên cạnh những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu với Trung Quốc.

Kết thúc phiên nay, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 45 xu Mỹ (1,1%), xuống 40,10 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 52 xu Mỹ (1,2%), xuống còn 42,72 USD/thùng.

Giá dầu kỳ hạn đảo chiều đi xuống sau khi Thống đốc bang California (Mỹ) quyết định áp đặt các hạn chế mới đối với doanh nghiệp, do số ca nhiễm mới COVID-19 và số người nhập viện vì dịch bệnh này tăng đột biến.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo cho hay, hơn 230.000 ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu trong ngày 12/7, mức cao kỷ lục trong ngày. Phần lớn số ca nhiễm mới là ở Tây bán cầu, đặc biệt là Mỹ và Mỹ Latinh.

Bang Florida của Mỹ vừa báo cáo có hơn 15.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục đối với bất kỳ tiểu bang nào ở Mỹ. Nhiều bang của Mỹ đã lùi kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và đưa ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Thị trường dầu mỏ cũng chịu tác động trước căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu với Trung Quốc. Liên minh châu Âu cho biết họ đang chuẩn bị các biện pháp đối phó với Trung Quốc để đáp trả luật an ninh mới của Bắc Kinh đối với khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Ủy ban Kỹ thuật chung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp trong hai ngày 14-15/7, trong đó các nước OPEC sẽ đưa ra khuyến nghị về các mức cắt giảm sản lượng trong tương lai. Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC và nước đối tác, còn gọi là OPEC+, cũng sẽ có cuộc thảo luận trong tuần này nhằm đánh giá về thị trường dầu mỏ và mức độ cam kết cắt giảm sản lượng trong nhóm.

Hồi tháng Tư, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5-6/2020, sau khi nhu cầu sụt giảm cùng với cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã khiến giá dầu thô lao dốc. Việc cắt giảm sản lượng sau đó được kéo dài đến cuối tháng 7/2020. Dự kiến, mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ sẽ chỉ còn 7,7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục