Giá dầu thế giới kéo dài chuỗi tăng tháng thứ năm liên tiếp

13:55' - 30/04/2022
BNEWS Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2022 giảm 67 xu (tương đương 0,6%) và đóng cửa ở mức 104,69 USD/thùng trên Sàn giao dịch Hàng hóa New York.

Thị trường dầu thế giới đã dứt chuỗi ba phiên tăng điểm liên tiếp trong ngày 29/4, song vẫn ghi nhận mức tăng hàng tuần và hàng tháng do nỗi lo về nguồn cung liên quan đến tình hình Ukraine vượt qua những e ngại về ảnh hưởng của các đợt phong tỏa phòng dịch tại Trung Quốc lên nhu cầu năng lượng của nước này.

 

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2022 giảm 67 xu (tương đương 0,6%) và đóng cửa ở mức 104,69 USD/thùng trên Sàn giao dịch Hàng hóa New York.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 1,75 USD (1,6%) và đóng cửa ở mức 109,34 USD/thùng.

Ông Carsten Fritsch, nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho biết trong một lưu ý rằng, giá dầu tăng hồi đầu phiên 29/4 do khả năng Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận lên ngành dầu mỏ của Nga ngày một cao hơn. Nhất là khi Đức giờ đã ngừng phản đối biện pháp đó.

Chuyên gia của Commerzbank nhận định sự thay đổi lập trường trên không có gì đáng ngạc nhiên, khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cách đây vài ngày cho biết rằng nước này hiện chỉ nhập khẩu 12% lượng dầu tiêu thụ từ Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn nhất EU này có thể xoay xở với một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, Đức hi vọng có thể tìm cách thay thế dầu của Nga bằng các nguồn cung khác.

Nhìn chung, thị trường dầu thế giới đã có một tuần khá vất vả với các mức tăng và giảm đều khá lớn.

Trong phiên đầu tuần 25/4, giá dầu thế giới giảm khoảng 4% trước những lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu do tình trạng phong tỏa kéo dài tại Thượng Hải và khả năng lãi suất tăng tại Mỹ.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm 4,33 USD (4,1%) xuống 102,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 3,53 USD (3,5%) và đóng phiên ở mức 98,54 USD/thùng. 

Phiên 26/4, giá dầu thế giới đi lên, khi thị trường cân nhắc các kế hoạch của Trung Quốc nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19.

Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 2,67 USD (2,6%) lên 104,99 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 3,16 USD (3,2%) lên 101,70 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thế giới tiếp tục trong phiên ngày 27/4, do những lo ngại về nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu trước sự sụt giảm về lượng xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ, cũng như việc Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang hai nước châu Âu là Ba Lan và Bulgaria.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent tăng 33 xu Mỹ lên 105,32 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI nhích thêm 32 xu và đóng phiên ở mức 102,02 USD/thùng.

Phiên 28/4, giá dầu thế giới tăng trước khả năng cao Đức sẽ cùng các nước thành viên EU khác cấm nhập khẩu dầu của Nga, động thái có thể thắt chặt hơn nữa các nguồn cung trên thị trường dầu thô.

Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 2,27 USD lên 107,59 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 3,34 USD (3,3%) và đóng phiên ở mức 105,36 USD/thùng.

Với diễn biến ngược chiều trong phiên 29/4, giá dầu Brent vẫn kết thúc tuần qua với mức tăng 2,5% và WTI là gần 2%.

Tính chung trong cả tháng Tư, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng 1,3% và 4,4%, kéo dài chuỗi tăng sang tháng thứ năm liên tiếp cho cả hai loại dầu tiêu chuẩn

Giới quan sát nhận định giá dầu vẫn sẽ còn biến động trong thời gian tới, khi Trung Quốc chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, bất chấp tác động của chính sách này đến nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Yanting Zhou, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn nghiên cứu - tư vấn trong lĩnh vực năng lượng Wood Mackenzie, cho biết với việc các lệnh phong tỏa toàn bộ và một phần gia tăng kể từ tháng 3/2022, các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã chìm sâu hơn vào sắc đỏ.

Hiện giờ, Wood Mackenzie dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa trong quý II/2022.

Chuyên gia này cũng cho rằng sự biến động của thị trường dầu có thể sẽ tiếp tục, với khả năng xảy ra các đợt phong tỏa kéo dài và lan rộng hơn vào tháng Năm, thậm chí lâu hơn thế nữa. Kịch bản đó khiến rủi ro suy giảm trong ngắn hạn đối với nhu cầu dầu của Trung Quốc và giá năng lượng đều theo hướng tăng.

Về phía nguồn cung, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) nhiều khả năng sẽ bám sát thỏa thuận hiện tại. Các nguồn thạo tin cho hay nhóm này có thể đồng ý một mức tăng sản lượng nhỏ khác cho tháng Sáu tại cuộc họp ngày 5/5 tới.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga có thể giảm tới 17% trong năm nay theo ước tính trong một tài liệu của Bộ Kinh tế nước này.

Lí do cho sự suy giảm chủ yếu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine làm tổn hại đến đầu tư và xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, ông Jeffrey Halley, một nhà phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng môi giới giao dịch OANDA cho biết nếu châu Âu đột nhiên phải tìm kiếm một nguồn cung cấp khí đốt hoặc dầu lớn trên thị trường quốc tế, điều đó sẽ bù đắp cho nỗi lo suy thoái nhu cầu của Trung Quốc và đẩy giá dầu lên cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục