Giá dầu thế giới lên xuống thất thường

13:26' - 28/04/2018
BNEWS Giá dầu thế giới lên xuống thất thường trong các phiên giao dịch của tuần qua.

Chi phối tâm lý thị trường tuần qua là sự quan ngại về kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ ngày một đầy lên, cũng như nguy cơ bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông.

Từ đầu tháng 4/2018, giá dầu thế giới tăng 5-6%. Ảnh: Reuters

Phiên cuối tuần ảm đạm đã khiến giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ghi nhận mức giảm gần 0,5% trong tuần, trong khi giá dầu Brent vẫn đi lên tuần thứ ba liên tiếp.

Mặc dù thị trường năng lượng khởi động tuần này khá thuận lợi, song xu hướng này không duy trì ổn định tới cuối tuần. Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/4, giá dầu đồng loạt đi xuống, sau khi báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 5 giàn trong tuần qua, lên 825 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Điều này cho thấy Mỹ vẫn không ngừng đẩy mạnh sản lượng. Trước đó, ngày 25/4, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 2,2 triệu thùng lên 429,7 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự báo tăng 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích. Cũng trong tuần trước, dự trữ xăng của Mỹ tăng thêm 800.000 thùng.

Tuy nhiên, biên độ giảm của giá dầu phiên này bị hạn chế bởi thị trường dự báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, dẫn đến khả năng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran và tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một phát biểu mới đây cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), vì những lý do chính trị trong nước.

Thông tin này được Tổng thống Macron đưa ra sau khi ông cùng người đồng cấp Mỹ trao đổi về tương lai của thỏa thuận này. Tổng thống D.Trump hiện đặt thời hạn chót để các nước châu Âu soạn hiệp định bổ sung cho JCPOA là ngày 12/5 tới, sau đó Washington sẽ chính thức đưa ra quyết định "đi hay ở".

Stephen Innes, Giám đốc doanh nghiệp môi giới hàng hóa kỳ hạn OANDA, cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran "có thể đẩy giá dầu tăng thêm đến 5 USD/thùng."

Kết thúc phiên cuối tuần này, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2018 giảm 9 xu Mỹ (0,1%), xuống 68,10 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 10 xu (0,1%), xuống 74,64 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 0,5%, còn giá dầu WTI mất 0,5%.

Giá dầu Bren đã tăng khoảng 6% kể từ đầu tháng Tư tới nay, trong khi giá dầu WTI cũng tiến gần 5%. Đà tăng này diễn ra bất chấp đồng USD đang có xu hướng mạnh lên.

ANZ: Giá dầu thô đang ở mức cao nhất trong ba năm qua
ANZ: Giá dầu thô đang ở mức cao nhất trong ba năm qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục