Giá dầu tuần qua chịu sức ép trước tín hiệu gia tăng nguồn cung

10:06' - 08/09/2018
BNEWS Mặc dù đi lên trong hai phiên đầu tuần, song giá dầu thế giới tuần qua chịu nhiều sức ép, trước những tín hiệu về sự gia tăng nguồn cung.
Giá dầu tuần qua chịu sức ép trước tín hiệu gia tăng nguồn cung. Ảnh: AP/TTXVN

 Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,8%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) hạ 3%.

Trong phiên đầu tuần (3/9), giá dầu đi lên giữa bối cảnh thị trường xuất hiện lo ngại sản lượng khai thác dầu của Iran giảm sẽ thắt chặt nguồn cung trên các thị trường một khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ tháng 11 tới. Tuy vậy, đà tăng giá dầu trong phiên này bị giới hạn bởi việc sản lượng khai thác dầu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ gia tăng.

Chuyên gia Stephen Innes, người đứng đầu mảng giao dịch tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc OANDA, cho biết giá dầu Brent được hỗ trợ bởi quan điểm rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran cuối cùng sẽ dẫn tới sự thắt chặt trên thị trường.

Nhà phân tích Edward Bell tại ngân hàng Emirates NBD tại Dubai đồng quan điểm khi cho rằng sản lượng khai thác dầu của Iran đang cho thấy các dấu hiệu sụt giảm với mức giảm 150.000 thùng dầu/ngày trong tháng trước khi các bên nhập khẩu dầu của Iran sẽ “quay lưng” với dầu mỏ của nước này.

Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu từ OPEC tăng 220.000 thùng dầu/ngày trong tháng 8/2018 lên một mức cao của năm là 32,79 triệu thùng/ngày, theo kết quả một khảo sát thực hiện bởi hãng tin Reuters. Mỹ cũng đã lần đầu tiên trong ba tuần bổ sung số lượng giàn khoan dầu. Hiện số lượng giàn khoan dầu tại nước này tăng 2 giàn khoan lên 862 giàn khoan. Số lượng giàn khoan dầu lớn đã giúp nâng sản lượng khai thác dầu của Mỹ hơn 30% từ giữa năm 2016, lên mức 11 triệu thùng/ngày.

Sang phiên ngày 4/9, giá dầu tiếp tục tăng dù cơn bão nhiệt đới Gordon có phần nào ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng năng lượng ở vùng vịnh Mexico thuộc Mỹ. Tuy vậy, sự mạnh lên của đồng USD và báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại trung tâm Cushing, Oklahoma gia tăng cùng kiềm chế phần nào đà đi lên của giá mặt hàng này.

Nhiều nhà sản xuất dầu đã sơ tán công nhân để tránh cơn bão nhiệt đới Gordon và tạm ngừng sản xuất dầu và khí đốt ở khu vực này hôm 3/9. Tuy nhiên, cơn bão Gordon đã chuyển hướng, qua đó làm dịu mối lo ngại đối với các khu vực sản xuất chính và phần lớn các nhà máy lọc dầu ngoài khơi vùng Vịnh. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, vùng Vịnh Mexico là nơi sản xuất 17% sản lượng dầu thô và 5% sản lượng khí tự nhiên mỗi ngày của nước này.

Bước sang phiên giao dịch ngày 5/9, giá dầu quay đầu giảm do thị trường lo ngại rằng nhu cầu xăng dầu tại các thị trường mới nổi sẽ suy yếu. Giá mặt hàng này tiếp tục chịu sức ép trong phiên giao dịch ngày 6/9, sau số liệu cho thấy lượng xăng dự trữ của Mỹ đã bất ngờ tăng lên trong tuần trước.

Trong phiên cuối tuần (7/9), giá dầu biến động trái chiều, với giá dầu WTI giảm 2 xu Mỹ xuống 67,75 USD/thùng; còn giá dầu Brent tăng 33 xu Mỹ lên 76,83 USD/thùng. Theo các nhà giao dịch giá dầu WTI trượt xuống trước sự đi xuống của các thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong khi đó, giá dầu Brent được hưởng lợi từ những yếu tố địa chính trị như tình hình bạo lực tại Iraq.

Ngày 7/9, truyền thông Trung Đông dẫn một số nguồn tin an ninh sở tại cho biết nhiều người biểu tình đã xông vào và đốt phá Lãnh sự quán Iran ở thành phố Basra, miền Nam Iraq. Sự việc này xảy ra trong bối cảnh Iraq đang phải đối phó với làn sóng biểu tình biến thành bạo lực ở Basra. Người dân Basra bất bình về dịch vụ công yếu kém, tình trạng mất điện, nước, ô nhiễm và nạn tham nhũng tại đây.

Giá dầu Brent và giá dầu WTI trong hai tuần vừa qua đã tăng mạnh, với việc dầu Brent tăng hơn 10% giá trị dựa trên các dự đoán rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị thắt chặt trong những tháng cuối năm nay. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ hiện đã tác động đến xuất khẩu dầu của Iran.

Nhà phân tích Stephen Brennock tại hãng môi giới London PVM Oil Assocations nhận định xuất khẩu dầu từ nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC này đang giảm nhanh hơn dự kiến và dự đoán diễn biến sẽ còn xấu hơn khi Mỹ công bố đợt trừng phạt thứ hai.

Về triển vọng tiêu thụ, OPEC mới đây dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục