Giá dầu và khí đốt trước nguy cơ xung đột Israel-Hamas leo thang

17:43' - 28/10/2023
BNEWS Trong những ngày qua, xung đột Israel-Hamas đã phá hủy kho cảng lớn nhất để nhập khẩu dầu ở Ashkelon, miền Nam Israel, khiến các tàu chở dầu phải di chuyển đến một cảng biển khác.

 

Thị trường năng lượng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc xung đột Israel-Hamas. Nhiều khả năng cuộc xung đột sẽ leo thang, làm tăng rủi ro địa chính trị đối với giá dầu và khí đốt, vốn đã khá căng thẳng.

Mặc dù Isreal không phải là quốc gia sản xuất hoặc trung chuyển dầu quan trọng của khu vực Trung Đông và toàn cầu, nhưng trong những ngày qua, xung đột Israel-Hamas đã phá hủy kho cảng lớn nhất để nhập khẩu dầu ở Ashkelon, miền Nam Israel, khiến các tàu chở dầu phải di chuyển đến một cảng biển khác. Điều này gây khó khăn cho việc cung cấp dầu mỏ vào Israel từ các nhà xuất khẩu ở khu vực Biển Đen, chủ yếu là Kazakhstan, Azerbaijan và Iraq, đi qua Địa Trung Hải.

Nguồn cung cấp khí đốt ở Israel thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn. Israel đã ngừng sản xuất tại một trong những mỏ khí đốt ngoài khơi Địa Trung Hải lớn nhất, là mỏ Tamar, vì lý do an ninh. Điều này rất quan trọng, vì khí đốt chiếm tới 40% tổng năng lượng và 70% sản lượng điện của Israel.

Sau khi đóng cửa mỏ Tamar, Israel cho biết, các công ty điện lực sẽ tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế, để đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên, nếu việc đóng cửa mỏ Tamar kéo dài, nó có thể làm giảm không chỉ nguồn cung cho Israel, mà còn giảm xuất khẩu điện sang Ai Cập trong dài hạn. Đây sẽ là nguyên nhân gây suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu khí đốt trong nước ngày càng tăng của Ai Cập và cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) – mặc dù xuất khẩu năm nay đã thấp hơn đáng kể so với năm 2022.

 
Xuất khẩu LNG của Ai Cập vào năm 2022 đạt khoảng 7 triệu tấn, trong đó 5 triệu tấn chuyển sang EU (tổng lượng nhập khẩu của EU lên tới 96 triệu tấn). Nhưng với tình hình thị trường LNG toàn cầu đang rất căng thẳng, khả năng Ai Cập giảm nguồn cung, mặc dù tương đối nhỏ, vẫn sẽ gây áp lực tăng giá khí đốt ở châu Âu và châu Á vào đầu mùa đông năm nay.

Những gì đang diễn ra ở Trung Đông cũng gây rủi ro đáng kể đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đặc biệt là kể từ khi cuộc xung đột có nguy cơ mở rộng sang các nước khác trong khu vực, cụ thể là Iran. Điều này có thể tác động đến cán cân dầu mỏ toàn cầu. thể hiện qua việc giá dầu đã tăng nhẹ trong tuần sau khi xung đột diễn ra và có thể tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới.

Trong một năm qua, Iran đã có sự trở lại đáng kể trên thị trường dầu mỏ thế giới. Sản xuất và xuất khẩu của nước này tăng vọt. Khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng cho dầu Iran, sản lượng và xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Nhưng từ năm 2022, Mỹ, dưới thời của Tổng thống Joe Biden, đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt và và mùa Hè năm nay sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.

Khả năng Iran tham gia vào cuộc xung đột Israel-Hamas có thể khiến Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Nếu điều này xảy ra, một lần nữa sẽ gay ra sự hạn chế đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Giá dầu thế giới, trong trường hợp này, có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng hoặc hơn, làm tăng áp lực lạm phát và làm phức tạp thêm nỗ lực kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sở hữu công suất dự phòng đáng kể và nhiều khả năng sẽ tăng sản lượng dầu để đối phó với tình hình.

Hiện tại, Tehran đang tập trung vào "cuộc chiến" năng lượng và kêu gọi các nước Hồi giáo cấm vận dầu mỏ đối với Iran. Nhưng hành động này khó có thể được Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chấp nhận và đại diện của OPEC đã tuyên bố rằng họ không phải là một tổ chức chính trị.

Mặc dù vậy, sự tham gia thực sự của Iran vào cuộc xung đột có thể gây ra một số hậu quả đối với dòng chảy dầu và khí đốt tự nhiên quốc tế. Ví dụ, dưới hình thức tăng rủi ro an ninh đối với các tàu chở dầu và tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi qua eo biển Hormuz - hàng rào năng lượng quan trọng nhất thế giới. Mỗi ngày, 1/5 nguồn cung dầu và 1/4 thương mại LNG của thế giới (chủ yếu từ Qatar) đi qua tuyến đường biển giữa Oman và Iran này. Nếu quá trình vận chuyển bị gián đoạn, dù chỉ trong vài ngày, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến giá dầu và khí đốt thế giới.

Điều quan trọng không kém là hậu quả của bất kỳ hành động phá hoại nào đối với cơ sở hạ tầng dầu khí ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Mặc dù ngày nay rủi ro an ninh không nhất thiết phải hiển hiện rõ ràng, nhưng các chính phủ, trong đó có các quốc gia châu Âu, phải đánh giá và quản lý chúng một cách cẩn thận.

Cuối cùng, một cuộc xung đột mở rộng giữa Israel và các quốc gia Arập có thể làm phức tạp các dự án khí đốt đã được lên kế hoạch của Israel, nhất là đối với các quốc gia như Ai Cập, Jordan và Lebanon. Một kịch bản như vậy sẽ khiến việc hợp tác năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể.

Hạn chế lâu dài hơn về năng lực xuất khẩu ở phía Đông Địa Trung Hải sẽ là một trở ngại đặc biệt đối với các nước EU như Italy, vốn dựa vào nguồn cung năng lượng từ khu vực này, trong chiến lược thoát khỏi sự phụ thuộc nhập khẩu khí đốt của Nga. Các công ty của Italy cũng đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng khai thác và xuất khẩu ở phía Đông Địa Trung Hải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục