Giá dầu “vọt” lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2018

13:12' - 05/01/2019
BNEWS Số liệu tích cực về thị trường việc làm Mỹ cũng “xoa dịu” lo ngại về tình trạng suy giảm kinh tế, qua đó giúp giá dầu “vọt” lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2018.
Giá dầu châu Á được nhân tố "bất ổn tại Venezuela" hậu thuẫn. Ảnh: Venezuelanalysis.com

Thị trường dầu thế giới đã khép lại tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019 với mức tăng lần đầu tiên trong một tháng qua, giữa lúc giới đầu tư đang tập trung vào các vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến được khởi động trong tuần tới. Thêm vào đó, số liệu tích cực về thị trường việc làm Mỹ cũng “xoa dịu” lo ngại về tình trạng suy giảm kinh tế, qua đó giúp giá dầu “vọt” lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2018.

Triển vọng thương mại trên toàn cầu có dấu hiệu tích cực đã giúp thị trường dầu mỏ thế giới đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần này, cũng là phiên giao dịch chốt năm 2018 với mức tăng. Tuy nhiên, “vàng đen” vẫn ghi nhận năm giao dịch tồi tệ nhất trong 10 năm qua trong năm 2018, khi giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt mất gần 40% kể từ tháng 10/2018, sau khi Washington bất ngờ miễn trừ lệnh cấm cho một số khách hàng lớn nhất của Iran, trong bối cảnh giới thị trường ngày càng lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, còn tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động xấu đến triển vọng thương mại và nhu cầu đối với dầu mỏ.

Sau khi đóng cửa nghỉ Năm mới ngày 1/1, thị trường dầu mỏ mở cửa trở lại trong ngày 2/1 với sự hậu thuẫn của sắc xanh trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, số liệu về hoạt động sản xuất và chế tạo từ Trung Quốc được công bố trước đó đã làm gia tăng lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (3-4/1), thị trường dầu liên tục khởi sắc, trước những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang triển khai việc cắt giảm sản lượng dầu thô và tín hiệu lạc quan về thị trường việc làm của Mỹ.

Theo một khảo sát của hãng tin Reuters, nguồn cung dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 12/2018 đã giảm mạnh nhất trong gần hai năm, với sự khởi động cắt giảm sản lượng sớm của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của tổ chức này là Saudi Arabia. Trong khi đó, sản lượng dầu của Iran và Libya cũng sụt ngoài chủ đích.

Thị trường dầu mỏ ngày 4/1 đã có phản ứng tích cực trước thông tin Bộ Thương mại Trung Quốc đã xác nhận một phái đoàn quan chức thương mại từ Mỹ sẽ có cuộc họp với những người đồng cấp Trung Quốc vào ngày thứ Hai và thứ Ba tới (7-8/1), đánh dấu lần đầu tiên hai bên tiến hành đàm phán kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đình chiến thương mại trong 90 ngày hồi tháng trước.

Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng được hỗ trợ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cùng ngày đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 1%, động thái giúp làm giảm rủi ro suy thoái mạnh hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu thô vẫn bị hạn chế phần nào bởi những lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, số liệu mới nhất về hoạt động chế tạo kém lạc quan của Mỹ cũng làm thị trường thêm lo ngại về "sức khoẻ" của nền kinh tế.

Cũng trong ngày 4/1, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 7.000 thùng, lên 441,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/12/2018, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 4,5 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo giảm 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, làm gia tăng quan ngại về tình trạng dư cung toàn cầu./.

>> Giá dầu châu Á đi lên trước triển vọng giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục