Gia Lai chỉ đạo xử lý tồn tại các hệ thống điện mặt trời mái nhà

10:01' - 21/07/2022
BNEWS Tỉnh Gia Lai hiện có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 600 MWp. Trong quá trình triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư đã để xảy ra sai phạm đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Gia Lai hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn về thủ tục thỏa thuận/chấp thuận hướng tuyến đường dây, vị trí xây dựng trạm biến áp trung áp đấu nối và các thủ tục khác có liên quan.

 

Cùng với đó, tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai căn cứ vào hợp đồng mua bán điện đã ký giữa 2 bên để xem xét, quyết định việc thanh toán, dừng hoặc không thanh toán tiền mua điện.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, những tồn tại liên quan đến việc triển khai mô hình kinh tế trang trại, tính đến ngày 24/6/2022 vẫn còn 26/431 trang trại chưa tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đối với việc xây dựng công trình nông nghiệp, đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa báo cáo kết quả khắc phục các tồn tại, thiếu sót.

Những tồn tại liên quan đến công trình nhà kho, nhà xưởng, Sở Xây dựng đã nhận được hồ sơ đánh giá chất lượng 5 công trình. Tuy nhiên, để có số liệu và cơ sở đánh giá kết cấu hạ tầng công trình hiện hữu, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư công trình triển khai khảo sát, đánh giá đảm bảo yêu cầu an toàn chịu lực và an toàn sử dụng hệ kết cấu và nền móng chịu tải trọng tăng thêm do lắp đặt hệ thống mặt trời mái nhà.

Về hồ sơ báo cáo kết quả kiểm định, chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, lập biên bản nghiệm thu và ký xác nhận vào hồ sơ kiểm định để đảm bảo tính pháp lý theo quy định.

Đối với các tồn tại liên quan đến hệ thống điện mặt trời mái nhà, đường dây và trạm biến áp thuộc lĩnh vực Công ty Điện lực Gia Lai quản lý, đến nay đã xác định có 428/441 hệ thống điện trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy; 400/441 công trình trang bị hệ thống chống sét; 292/441 hệ thống đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí xây dựng trạm biến áp trung áp; 420/441 công trình đường dây và trạm biến áp đã đầy đủ hồ sơ hoặc đã được chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm định lại chất lượng công trình đang vận hành.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các sở, ngành liên quan, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả khắc phục tồn tại, thiếu sót của các hệ thống điện mặt trời mái nhà thuộc lĩnh vực phụ trách; chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, theo dõi việc khắc phục tồn tại của các chủ nhà kho, nhà xưởng.

Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh, để xử lý dứt điểm những tồn tại, thiếu sót của các hệ thống điện mặt trời mái nhà, UBND tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo theo hướng làm sao cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện đúng theo pháp luật.

UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao Sở Công Thương và các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thỏa thuận hướng tuyến. Hiện Sở Công Thương cùng Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường đang hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để cho các nhà đầu tư khắc phục các sai phạm.

“Trong quá trình kiểm tra các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, chúng tôi chọn kiểm tra điểm 441 hệ thống, những công trình còn lại giao cho chính quyền các địa phương kiểm tra. Quá trình kiểm tra, tất cả các hệ thống điện mặt trời đều không vi phạm luật đất đai. Những tồn tại tập trung chủ yếu do chưa thực hiện mô hình kinh tế trang trại theo cam kết; tính an toàn chịu lực của công trình chưa đảm bảo; thiếu hệ thống chống sét, các thiết bị phòng cháy chữa cháy và thiếu thỏa thuận tuyến, đường dây và trạm biến áp”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh cho biết thêm.

Cùng với đó, kết luận của Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra những sai phạm của Công ty Điện lực Gia Lai. Cụ thể, thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương xảy ra tại 5 doanh nghiệp; trình tự thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định của Bộ Công Thương xảy ra tại 8 doanh nghiệp và việc chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020, ký hợp đồng mua bán điện trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ xảy ra tại 4 doanh nghiệp.

Với những sai phạm này, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Điện lực Gia Lai chịu trách nhiệm việc đã công nhận vận hành, ký hợp đồng và thanh toán tiền mua điện của các hệ thống điện mặt trời trên.

Ông Phạm Văn Binh cho biết, thời gian vừa qua, một số phương tiện thông tin cập nhật cho rằng Sở Công Thương từ chối cung cấp các trường hợp sai phạm hoặc Sở phải xác nhận việc các nhà đầu tư đã hoàn thành khắc phục các sai phạm để cho điện lực thanh toán tiền điện.

Về vấn đề này, Sở đã có báo cáo cụ thể, toàn bộ danh sách các hệ thống điện sai phạm đã công khai cho đoàn kiểm tra và đã báo cáo với UBND tỉnh. Còn việc xác nhận hoàn thành khắc phục sai phạm thì không có quy định Sở Công Thương hoặc các sở, ngành khác phải xác nhận để làm căn cứ cho điện lực thanh toán.

UBND tỉnh cũng đã có công văn trả lời vấn đề này, việc dừng, tạm dừng thanh toán hay không thanh toán là việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên mua và bán điện thuộc thẩm quyền của điện lực Gia Lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục