Giá lúa Thu Đông tại Đồng Tháp tăng mạnh

12:41' - 13/11/2023
BNEWS Giá lúa chất lượng cao được thương lái mua tại ruộng với giá 9.200 đồng/kg, có nơi bán với giá 9.400 đồng/kg, giá lúa cao hơn so cùng kỳ năm 2022 từ 2.500-3.000 đồng/kg.

Vụ lúa Thu Đông năm 2023, tỉnh Đồng Tháp xuống giống được 121.971/116.000 ha, đạt 105,1% so với kế hoạch. Lúa Thu Đông thu hoạch gần dứt điểm, năng suất bình quân 60,4 tạ/ha.

 

Giá lúa chất lượng cao được thương lái mua tại ruộng với giá 9.200 đồng/kg, có nơi bán với giá 9.400 đồng/kg, giá lúa cao hơn so cùng kỳ năm 2022 từ 2.500-3.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, vụ lúa Thu Đông ở Đồng Tháp lãi hơn 30 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao vụ Thu Đông 2023 chiếm hơn 70% diện tích nên lúa chất lượng cao bán được giá đã mang lại niềm vui cho nhiều hộ nông dân.

Từ đầu tháng 11 đến hết ngày 12/11, giá lúa chất lượng cao được nông dân trên địa bàn bán với giá 8.600 đồng và đến ngày 13/11/2023 giá lúa đã chạm ngưỡng 9.200 đồng/kg. Thế nhưng, do đầu tháng nhiều hộ dân đã nhận cọc bán lúa cho thương lái với giá 8.600 đồng/kg, cho nên đến nay thất thu hơn 600 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình sản xuất lúa Thu Đông với diện tích 3 ha, năng suất gần 7 tấn/ha, bán được giá cao 9.200 đồng/ha. Ông Dũng thông tin cho biết, ông rất vui là năm sản xuất lúa Thu Đông có giá cao nhất từ hàng chục năm nay. Tính ra vụ lúa Thu Đông ông Dũng lãi hơn 40 triệu đồng/ha.

Vụ lúa Thu Đông bán được giá cao, là nhờ bà con nông dân tích cực làm lúa chất lượng cao xuất khẩu, nổi bật là đến đầu tháng 6/2023 tỉnh Đồng Tháp được cấp 355 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích là 48.963 ha (chiếm 25% diện tích canh tác lúa).

Đa số nơi được cấp mã vùng trồng lúa cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống lúa có chất lượng cao, nếp và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25.

Các vùng sản xuất lúa được cấp mã vùng trồng được được nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa và bón phân vùi vào đất khi trục trạc lần cuối trước khi gieo sạ, IPM trong quản lý dịch hại,... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo.

Đến nay, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp có bước phát triển mạnh. Nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được áp dụng vào sản xuất.

Số lượng máy móc nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khá nhiều, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch với trên 2.100 máy cày, 3.838 máy xới các loại, 1.620 máy gặt đập liên hợp, 1.153 máy sạ hàng - phun xịt, 1.580 trạm bơm, khoảng 98 máy cấy, 510 lò sấy, 69.260 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ và 8.481 hệ thống tưới....qua đó góp phần thắng lợi vụ lúa Thu Đông 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục