Giá muối xuống thấp

06:20' - 27/06/2021
BNEWS Diêm dân Đề Gi, tỉnh Bình Định gặp nhiều khó khăn do giá muối xuống thấp, cộng với tiền công vận chuyển cao.

Hiện nay, đang vào vụ sản xuất muối nhưng vì giá xuống thấp, công lao động tăng cao, dẫn đến thu không đủ chi phí nên diêm dân vùng sản xuất muối Đề Gi, tỉnh Bình Định gặp nhiều khó khăn và một số nơi bỏ hoang ruộng muối không sản xuất.

Cánh đồng muối truyền thống tại thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) trước đây có 5 hộ dân sản xuất nhưng nay chỉ còn bà Ngô Thị Ny bám trụ với nghề. Nguyên nhân là vì giá muối xuống quá thấp chỉ từ 500-600 đồng/kg, trong khi đó, bình quân mỗi ngày bà Ny chỉ làm ra được 120 kg muối và như vậy thu nhập khoảng 70.000 đồng/ngày.

Bà Ny cho biết: "Những năm gần đây muối truyền thống làm ra rất ít người mua. Nếu mua thì giá cũng thấp nên lợi nhuận từ nghề làm muối khá thấp. Người làm muối nay phần lớn đã bỏ nghề đi làm công việc khác. Riêng tôi già yếu không làm được nghề gì nên vẫn làm muối”.

Vùng sản xuất muối truyền thống Đề Gi thuộc hai xã Cát Minh và Cát Khánh (huyện Phù Cát), có trên 500 hộ sản xuất với tổng diện tích 70 ha. Tuy nhiên, vụ muối năm nay, diện tích muối đã giảm 10 ha. Diêm dân gặp khó khăn không chỉ vì giá muối xuống thấp mà còn vì tiền công vận chuyển cao, trong khi nhiều ruộng muối lại ở khá xa điểm thu mua.

Anh Nguyễn Văn Trong, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát cho hay, một bao muối thành phẩm 35kg có giá khoảng 20.000 đồng nhưng tiền công chở từ ruộng muối lên điểm thu mua mất 5.000 đồng. “Giá không đủ ngày công lao động nên thu nhập từ làm muối truyền thống ngày càng khó khăn”, anh Trong nói. 

Theo ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, huyện Phù Cát, hiện nay diện tích sản xuất muối của diêm dân xa nơi vận chuyển nên công vận chuyển khá cao. Do vậy, địa phương đang kiến nghị cơ quan chức năng của tỉnh quy hoạch lại diện tích sản xuất muối hợp lý, gần đường chính để người dân dễ vận chuyển.

“Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích người dân sản xuất muối sạch để tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để giữ giá muối ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Bình nói.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh hiện có trên 130 ha sản xuất muối, gồm: 70 ha sản xuất truyền thống vùng muối Đề Gi, 50 ha sản xuất trải bạt ô kết tinh và trên 10 ha sản xuất công nghiệp. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng diện tích giảm trên 20 ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục