Giá năng lượng tăng kỷ lục, Châu Âu đối mặt với “mùa sưởi ấm đắt đỏ”

08:34' - 11/09/2021
BNEWS Với giá năng lượng tăng kỷ lục đã đẩy giá điện của châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều năm, người dân Châu Âu sẽ đối mặt với một “mùa sưởi ấm đắt đỏ” trong mùa Đông năm nay.

Giá năng lượng tăng kỷ lục đã đẩy giá điện của châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều năm và khó có thể giảm trước cuối năm nay. Điều này báo hiệu một “mùa sưởi ấm đắt đỏ” đối với người tiêu dùng trong mùa Đông năm nay.
Giá điện của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và tại Pháp nói riêng đều đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, do sự kết hợp của các yếu tố từ sự phục hồi kinh tế của châu Á khiến giá than và khí đốt tăng vọt – cho đến những bất đồng quan điểm trong việc thúc đẩy châu Âu cấp phép phát thải carbon, giá dầu cao hơn và sản lượng năng lượng tái tạo ở khu vực còn thấp.
Cụ thể, giá điện chuẩn của EU, được tính theo giá điện bán buôn của Đức kỳ hạn năm 2022, đã lập kỷ lục vào ngày 10/9, đứng ở mức 97,25 euro (115,09 USD)/MWh, trong khi giá điện ở Pháp cũng đang áp sát mức cao kỷ lục 100,4 euro /MWh.
Các nhà phân tích cho rằng, trong khi các mô hình cung cấp điện từ năng lương gió và năng lượng từ nguồn khí đốt của Nga vẫn đang là những giải pháp bất ổn định cho thị trường châu Âu, bối cảnh hiện tại có nghĩa là khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung điện đang gia tăng đáng kể.
Bước sang quý IV/2021, nghĩa là bắt đầu vào mùa Đông, giá điện tại châu Âu đang tăng mạnh do nguồn cung năng lượng cơ bản bị thắt chặt, trong khi các dự báo về thời tiết mát mẻ và khô hạn cho thấy nhu cầu điện vẫn cao, còn nguồn cung thủy điện thấp.
Georgi Slavov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cơ bản của công ty dịch vụ môi giới Marex Spectron cho biết, tất cả các chỉ số của họ về thời tiết và thị trường nhiên liệu đều báo hiệu giá điện sẽ tiếp tục tăng.
Ẩn số lớn nhất hiện chính là đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga đến Đức, dự kiến có thể đi vào hoạt động trong năm 2021 và cải thiện lượng khí đốt dự trữ của châu Âu vốn đang quá ít ỏi.
Hãng truyền hình và phát thanh DW của Đức mới đây dẫn thông báo của Nord Stream 2 AG, công ty điều hành dự án lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, cho biết, các chuyên gia trên tàu Fortuna đã hàn đường ống cuối cùng của tuyến đường ống dẫn khí đốt này và sẽ sớm đưa xuống đáy biển Baltic.

Nord Stream 2 AG xác nhận hoạt động bơm khí đốt từ Nga sang Đức sẽ được thực hiện ngay trong năm nay với dự kiến vào tháng Mười tới. Tuy vậy, cơ quan quản lý của Đức vẫn chưa “bật đèn xanh”, điều có thể khiến kế hoạch này bị chậm lại nhiều tháng.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, trị giá 12 tỷ USD, cho phép Nga chuyển 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm sang châu Âu thông qua các đường ống đặt dưới biển Baltic.

Cùng với đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, Nga có thể đưa tổng cộng 110 tỷ m3 khí đốt sang châu Âu mà không cần trung chuyển qua Ukraine. Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 đã vấp phải rất nhiều khó khăn do bất đồng quan điểm giữa các nước.
Trong khi đó, nhu cầu khí đốt từ các nhà máy điện châu Âu lại tăng cao do tốc độ gió đang ở mức dưới trung bình, hạn chế sản lượng điện từ các trang trại điện gió. Các nhà phân tích của ICIS Energy cho biết, sản lượng phong điện ở Đức trong hai tuần tới dự kiến chỉ đạt trung bình 5 GW/ngày so với mức trung bình hơn 10 GW/ngày trong tháng 9 của ba năm trước đó.
Các chi phí khác cũng ảnh hưởng đến giá điện tại châu Âu trong thời gian qua, bao gồm việc cấp giấy phép phát thải carbon.

Giá phát thải carbon của EU hiện ở mức 62,4 euro/tấn, cách không xa mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập trong tuần này, thúc đẩy bởi các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng, qua đó làm tăng chi phí gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, vì nhu cầu phát điện cao nên các công ty vẫn cần mua thêm giấy phép phát thải. Điều này dẫn tới việc giá than đá (để sản xuất điện) tại châu Âu đang ở mức cao nhất trong 12 năm và tại châu Á đang ở mức cao nhất trong 13 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục