Gia tăng cơ hội xuất khẩu từ thương mại điện tử xuyên biên giới

15:49' - 11/08/2023
BNEWS Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra nhiều cơ hội mới và tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra nhiều cơ hội mới và tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Để lĩnh vực này phát triển hiệu quả bền vững, Việt Nam cần có chính sách phù hợp, nhất là về vấn đề hải quan.

 

Nội dung được chia sẻ tại Tọa đàm “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới”, do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 11/8 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan, việc tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu, nhập khẩu, tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn. 

Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều thách thức cho các doanh nghiệp; trong đó có các vấn đề liên quan đến pháp lý, quản lý vận chuyển, chính sách và thủ tục hải quan, thuế và chính sách thương mại quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước. Do vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Ông Nguyễn Bắc Hải - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) nhận xét, mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng Việt Nam chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử gặp phải các vướng mắc về thủ tục hải quan; về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành; xác định trị giá hải quan… Việt Nam cần thiết phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Phân tích về tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam, ông Robbin Hou, Phó chủ tịch Phòng thương mại xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc) đánh giá, thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và là nước phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á.

Để phát triển lĩnh vực này, cần cải thiện tốc độ giao hàng logistics; khuyến khích phát triển các nền tảng thương mại điện tử; tích cực đào tạo nhân lực bản địa; đẩy nhanh xây dựng các mô hình thương mại điện tử mới. 

Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng kiến nghị thúc đẩy hoàn thiện Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử là cơ sở để hoàn thiện chính sách hải quan thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển

Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) với hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 – 2025.

Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử chưa chặt chẽ ở khâu kiểm soát, xác minh hàng hóa, nên đã tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái vào sàn buôn bán. Chính sách và hành lang pháp lý hiện vẫn còn sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quản lý thương mại điện tử.

Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, ông Phạm Tấn Đạt - Phó trưởng ban Logistics (VECOM) đề xuất tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, thúc đẩy tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục