Gia tăng lợi ích cho người sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt

16:19' - 12/06/2020
BNEWS Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây với những con rất ấn tượng, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để hướng tới xã hội không tiền mặt.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương mai” do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12/6

*Thanh toán qua điện thoại di động tăng ấn tượng

Ông Phạm Tiến Dũng Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các dịch vụ thanh toán điện tử qua internet và điện thoại di động thời gian qua đã đạt được những kết quả ấn tượng, cả về số lượng khách hàng cũng như số lượng và giá trị giao dịch.

Trong 4 tháng đầu năm nay, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị. Thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; đến cuối tháng 3/2020, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành đạt mức 103,1 triệu thẻ (tăng 22,4% so với cuối năm 2017). Đặc biệt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Lý giải về sự gia tăng của thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các ngân hàng đã phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại, dễ sử dụng như thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua internet, thanh toán thẻ...

Có thể khẳng định những ứng dụng thanh toán hiện đại trên thế giới đã được các ngân hàng Việt Nam triển khai cung ứng trên thị trường; trong đó ứng dụng mobile banking đã rất tiện lợi, dễ sử dụng và không ngừng nâng cấp, cập nhật tiếp cận với tiến bộ công nghệ mới nhất như: xác thực vân tay, khuôn mặt... và được tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo chia sẻ, trong 13 năm hiện diện trên thị trường thì 10 năm đầu tiên ví MoMo gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận khách hàng vì đa số người dân Việt Nam có thói quen dùng tiền mặt, chưa có thói quen sử dụng ứng dụng và chưa có nhiều điểm chấp nhận thanh toán qua các ví điện tử.

Tuy nhiên mọi thứ đang thay đổi mạnh từ 3 năm gần đây. Trong hơn 20 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ví MoMo thì có tới hơn một nửa khách hàng mới tham gia trong 3 năm trở lại đây.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, sự phát triển của nền kinh tế số cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ hành chính công như nộp thuế, đóng học phí, viện phí…đã tạo điều kiện để phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng đột biến.

Thêm vào đó, các đơn vị cung cấp ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng chủ động cải tiến, nâng cấp các dịch vụ của mình. Với MoMo một năm có thể có tới 300 hoạt động cải tiến ứng dụng dựa trên thói quen và phản hồi từ người sử dụng nhằm rút ngắn thời gian cài đặt, giảm thao tác khi thanh toán…

Nhờ đó, thời gian cài đặt, sử dụng ứng dụng đả giảm từ 10 phút xuống còn 2 phút nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và an toàn trong giao dịch cho khách hàng.

“Ngoài việc nâng cấp ứng dụng mang tính kỹ thuật thì MoMo cũng đầu tư xây dựng được hệ sinh thái dịch vụ với nhiều đối tác khác nhau để có thể phủ sóng mọi chi tiêu của khách hàng. Hiện nay MoMo đã kết nối với 25 ngân hàng lớn và 110.000 đối tác chấp nhận thanh toán cho hầu hết các loại dịch vụ cần thiết trong cuộc sống hàng ngày từ ăn uống, đi lại, đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, mua bảo hiểm...” , ông Nguyễn Bá Diệp cho biết thêm.

*Gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thực tế thời gian qua, điểm nghẽn trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công là các bộ, ngành chưa có cơ sở dữ liệu tập trung để ngân hàng có thể kết nối vào làm dịch vụ thanh toán.

Nếu không có cơ sở dữ liệu tập trung thì không thể nói đến thanh toán không tiền mặt. Điểm nghẽn thứ 2 là đơn vị cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng.

Thực tế triển khai cho thấy 6 sở, ngành sử dụng 6 phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung nào nên rất mất công. Do vậy các sở, ban, ngành cần hợp tác, chia sẻ thông tin để sử dụng ứng dụng đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân.

Bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá thể, Tổng cục Thuế thông tin, mặc dù việc nộp thuế điện tử đã trở nên phổ biến với hầu hết doanh nghiệp nhưng số lượng cá nhân nộp thuế điện tử còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do thói quen ngại tiếp cận với các ứng dụng công nghệ của người dân, đặc biệt là người có độ tuổi trung niên trở lên.

Thêm vào đó, mặc dù dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa chấp nhận hóa đơn, chứng từ điện tử, dẫn đến bất cập trong kê khai và nộp thuế điện tử.

Ông Đàm Hồng Tiến, Giám đốc khối bán lẻ VietinBank cho rằng, từ kinh nghiệm triển khai thanh toán tiền điện, nước, học phí, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, ngành y tế cần đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin chung cho ngành y tế, để cho các bệnh viện có cơ sở dữ liệu y tế trong toàn quốc.

“Trên thực tế, hiện mỗi thẻ sử dụng cho một bệnh viện. Mỗi người có một thẻ khác nhau. Nếu có cơ sở dữ liệu liên thông cấp quốc gia thì chỉ cần một thẻ chung thì người bệnh có thể sử dụng chiếc thẻ này để đi khám bệnh ở các bệnh viện trên cả nước. Một vướng mắc khác của các ngân hàng khi đầu tư vào thanh toán y tế là chi phí rất lớn. Chính vì vậy, khi cung cấp dịch vụ công cần có bù đắp chi phí đầu tư nên Nhà nước cần có cơ chế tài chính, hướng dẫn các bệnh viện thanh toán các khoản chi phí dịch vụ.” ông Đàm Hồng Tiến nêu kiến nghị.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Thiên Vũ, Giám đốc Quản lý đối tác chiến lược và Phát triển kinh doanh Grab Việt Nam cho rằng, sở dĩ người tiêu dùng còn e dè với các dịc vụ thanh toán không tiền mặt là bởi mỗi ứng dụng thường sẽ chỉ phục vụ giải quyết một dich vụ, trong khi mỗi ngày một người có rất nhiều nhu cầu dịch vụ khác nhau từ đi lại, ăn uống, thanh toán điện, nước…Để giải quyết các nhu cầu, mỗi người phải cài rất nhiều ứng dụng khác nhau, mỗi ứng dụng lại yêu cầu các thao tác khác nhau rất mất thời gian.

Chính vì vậy, để khuyến khích mọi người sử dụng dịch vụ online, cần sử dụng công nghệ đa ứng dụng hay một ứng dụng có thể giải quyết đa dịch vụ từ đi lại, giao hàng, thanh toán… tạo ra những tiện ích giải quyết nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dùng. Sự phát triển của hệ sinh thái hoàn thiện sẽ tăng sự tiện lợi và tính trung thành của người dùng. Khi khách hàng dùng thanh toán không tiền mặt thấy tiện nghi, có lợi, an toàn thì sẽ không quay lại phương thức cũ nữa.”, ông Lê Tấn Thiên Vũ nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục