Gia tăng nạn bạo hành phụ nữ ở châu Âu

06:20' - 29/06/2021
BNEWS Cuộc sống dần trở lại bình thường ở châu Âu sau đại dịch COVID-19 cũng là lúc phơi bày một vấn nạn xã hội không mới nhưng ngày càng nhức nhối: bạo lực đối với phụ nữ.

Khi các biện pháp hạn chế chống dịch được nới lỏng, những kẻ bạo hành dường như cảm thấy bị đánh mất quyền kiểm soát nạn nhân trong thời gian các lệnh phong tỏa được áp đặt và có xu hướng thực hiện các hành vi mang tính cực đoan hơn.

Trường hợp của bà Chahinez, một phụ nữ Pháp bị chồng thiêu sống, hay 5 người phụ nữ bị sát hại chỉ trong 3 tuần vào mùa Xuân năm nay ở Thụy Điển là một vài trường hợp gây ám ảnh cho công chúng thời gian gần đây.

Số liệu thống kê chính thức cho năm 2021 ở một số quốc gia châu Âu đã tố cáo thực trạng này.

Tại Tây Ban Nha, kể từ khi tình trạng khẩn cấp kết thúc vào tháng 5, cứ 3 ngày lại có một phụ nữ bị sát hại, so với mức trung bình 1 nạn nhân/tuần trước khi các biện pháp hạn chế chống dịch được dỡ bỏ.

Ở Bỉ, 13 phụ nữ thiệt mạng vì bạo lực kể từ cuối tháng 4, so với 24 người trong cả năm 2020. Trong khi đó, tại Pháp, 56 phụ nữ đã thiệt mạng vì nguyên nhân tương tự trong năm nay so với 46 nạn nhân được ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.

Lý giải về xu hướng gia tăng bạo lực giới trong những tháng gần đây, bà Victoria Rosell, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống bạo lực giới của Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng "với việc phụ nữ được tự do hơn, những kẻ ưa bạo hành cảm thấy như thể mất kiểm soát và phản ứng bằng hành vi bạo lực cực đoan hơn". 

Cùng chung quan điểm, bà Angeles Jaime de Pablo, người đứng đầu tổ chức nữ luật gia Themis ở Tây Ban Nha, nhận định sự kết hợp giữa cơ chế làm việc tại nhà và thiếu tiếp xúc xã hội đã tạo "điều kiện lý tưởng" để "bạo lực kiểm soát" lên ngôi.

Theo nhà xã hội học chuyên về bạo lực giới Carmen Ruiz Repullo, các hành vi bạo lực thường được châm ngòi sau các vụ ly hôn, ly thân hoặc khi người bạn đời cũ bắt đầu một mối quan hệ mới, song giai đoạn các nước áp đặt lệnh phong tỏa đã tạm "trì hoãn" những hành động này.

Tuy nhiên, khi tình trạng khẩn cấp và các biện pháp hạn chế do đại dịch được dỡ bỏ, nhiều phụ nữ đã tự quyết định kết thúc mối quan hệ và rời đi, khiến những kẻ bạo hành tức giận và có hành động gây nguy hiểm. Hậu quả là số vụ giết người gia tăng.

Trên khắp châu Âu, tình trạng phong tỏa đã khiến việc tiếp nhận các trường hợp bạo lực gia đình trở nên khó khăn hơn. Bị buộc phải ở nhà với kẻ bạo hành, nạn nhân gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm sự giúp đỡ.

Số liệu của Chính phủ Tây Ban Nha công bố cho thấy số trường hợp kêu cứu trong 3 tháng nước này áp đặt lệnh phong tỏa kể khi đại dịch bắt đầu bùng phát đã tăng 58% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó những lời kêu cứu trên mạng tăng vọt tới 458%.

Đây là một hình thức "âm thầm" kêu cứu khi các nạn nhân bạo hành không thể gọi điện cầu cứu lực lượng chức năng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Italy và Đức khi các cuộc gọi đến đường dây nóng về bạo lực gia đình lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 và tháng 5/2020.

Trong khi đó tại Anh, tổ chức phi chính phủ Refuge cho biết các cuộc gọi kêu cứu tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ mùa Xuân năm 2020 đến tháng 2/2021.

Năm 2004, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thông qua luật quy định cụ thể về bạo lực gia đình, trong đó giới tính của nạn nhân trở thành tình tiết tăng nặng. Nhiều quốc gia khác cũng đã đưa ra các sáng kiến hỗ trợ những phụ nữ trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Tại Italy, nạn nhân có thể gọi vào số khẩn cấp của cảnh sát và nói: "Tôi muốn đặt một chiếc bánh pizza bơ thực vật". Lực lượng chức năng sẽ cử điều tra viên tới xem xét.

Ở Tây Ban Nha, phụ nữ có thể báo cho nhà chức trách bằng cách đi vào một hiệu thuốc, một trong số ít các dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa trong thời kỳ giãn cách, và yêu cầu "một chiếc khẩu trang màu tím"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục