Giá tăng, nhưng tiêu thụ gạo nếp vẫn tiềm ẩn rủi ro

17:47' - 17/03/2017
BNEWS Mặc dù giá tăng nhưng thực tế ở Việt Nam đã có nhiều bài học “trồng ít thì thiếu, trồng nhiều thì thừa”, đã có năm giá nếp sụt giảm chỉ còn 3.000 đồng/kg, gây ra tình trạng dư thừa khá lớn.
Giá gạo nếp tăng nhưng các doanh nghiệp và người dân vẫn lo nguy cơ bị ép giá và ứ đọng hàng. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Mặc dù có giá bán tăng khá cao, xuất khẩu tốt, nhưng tiêu thụ gạo nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu người dân tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng vào các vụ mùa tới thì nguy cơ bị ép giá, ứ đọng hàng là rất lớn.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu như trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016, diện tích trồng lúa nếp toàn vùng ĐBSCL chỉ gần 135.200 ha, chiếm 8,5% tổng diện tích gieo trồng. Đến vụ Đông Xuân 2016 -2017, con số này đã tăng lên gần gấp đôi, hơn 223.000 ha, chiếm 14,5% tổng diện tích gieo trồng. Thậm chí, một số tỉnh như ở An Giang, Long An, tỷ lệ gieo trồng lúa nếp lên đến 25-30%.

Mặc dù diện tích gieo trồng lúa nếp được mở rộng khá lớn, song giá lúa nếp vẫn đang ở mức khá cao. Theo anh Huỳnh Văn Sơn, nông dân huyện Thạnh Hóa (Long An), trong vụ Đông Xuân này, giá lúa nếp tươi tại ruộng luôn ổn định ở mức dao động từ 5.800-6.000 đồng/kg tùy vào chất lượng lúa, tăng 400-500 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2015-2016.

Với mức giá này, nông dân trồng nếp khá phấn khởi. Sản lượng nếp thu hoạch được bao nhiêu thì đều có thương lái, doanh nghiệp đến thu mua, không có tình trạng ứ hàng như trước đây.

Lý giải nguyên nhân giá lúa nếp vẫn ở mức khá cao trong khi diện tích gieo trồng tăng mạnh, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An cho biết, mặc dù diện tích lúa nếp tăng nhưng năng suất, sản lượng nếp năm nay lại sụt giảm lên đến 30% so với vụ Đông Xuân trước đó, thậm chí có nơi bị mất trắng do dịch bệnh muỗi hành.

Năng suất lúa nếp vụ Đông Xuân năm nay chỉ ở mức trung bình đạt 4,5 tấn/ha, thay vì 6,5 tấn/ ha như năm 2016. Bên cạnh đó, phần lớn lúa nếp ở ĐBSCL không chín rộ ồ ạt như những năm trước mà thu hoạch rải đều từ trước Tết âm lịch đến nay, nông dân thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp tiêu thụ đến đó.

Mặt khác, theo bà Liên, sở dĩ giá lúa gạo nếp duy trì ổn định ở mức khá cao trong vụ Đông Xuân 2016-2017 là nhờ “lực đẩy” từ các thị trường nhập khẩu như Philippines, châu Âu…

“Mặc dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nếp khá tốt cho doanh nghiệp, nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, theo quy định chỉ còn 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này. Những doanh nghiệp khác muốn đẩy mạnh tiêu thụ buộc phải tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác.

Rất may, từ cuối năm 2016 đến nay, Chính phủ Philippines mở quota cho thương nhân nhập khẩu gạo và đây cũng là thị trường tiêu thụ nếp khá tốt cho các doanh nghiệp Việt. Dù xuất khẩu nếp sang các thị trường này trong 3 tháng đầu năm nay chưa nhiều, nhưng cũng góp phần giữ giá nếp xuất khẩu ổn định”, bà Liên chia sẻ.

Tuy vậy, theo nguồn tin từ một số doanh nghiệp, gạo nếp xuất khẩu đang bị ép giá ở thị trường Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp đang chào bán giá gạo nếp xuất khẩu là 495 USD/tấn, nhưng gần 2 tuần nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã ngừng mua, hoặc chỉ đồng ý mua vào với mức giá 480 USD/tấn.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không liên kết với nhau thì có nguy cơ tạo đà giảm giá đối với mặt hàng này trong thời gian tới.

Trước tình hình diện tích gieo trồng nếp được mở rộng trong vụ Đông Xuân và tín hiệu thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, các địa phương cần lưu ý bám sát quy hoạch và chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu kết thúc vụ Đông Xuân, sản lượng nếp còn dư thừa nhiều thì các địa phương cần hướng dẫn nông dân không tiếp tục gieo trồng nếp trong vụ Hè Thu nữa.

Theo ông Sơn, trong năm 2016, thị trường tiêu thụ gạo nếp khá tốt, giá lúa nếp luôn ở mức cao đã khiến nông dân ở nhiều vùng đổ xô vào trồng lúa nếp. Sản lượng nếp trong vụ Đông Xuân này có thể đạt trên 1 triệu tấn, gần tương đương với sản lượng nếp của cả năm 2016.

Tuy nhiên, người dân không nên chạy theo theo thị trường nóng, bởi thực tế ở Việt Nam đã có nhiều bài học “trồng ít thì thiếu, trồng nhiều thì thừa”, đã có năm giá nếp sụt giảm chỉ còn 3.000 đồng/kg, gây ra tình trạng dư thừa khá lớn.

"Vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương trong vụ Hè Thu này cần rà soát lại diện tích gieo trồng để đảm bảo cơ cấu gieo trồng nếp cả năm tối đa không quá 15% tổng diện tích gieo trồng, với sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm”, ông Sơn nói./.

>>> Rà soát thể chế quản lý chuỗi giá trị lúa gạo

>>> Thủ tướng: Phải làm sao để DN lúa gạo phát triển tốt, thị trường ổn định?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục