Giá thực phẩm leo thang bởi lạm phát và những lệnh cấm thương mại

13:32' - 25/07/2022
BNEWS Theo hãng nghiên cứu Capital Economics, từ đầu năm đến nay, giá lương thực đã tăng gần 14% ở những nền kinh tế thị trường mới nổi và hơn 7% ở những nền kinh tế phát triển.

Quầy hàng ăn của Soki Wu nằm tại khu ẩm thực trong một trung tâm mua sắm ở Singapore, là nơi được nhiều người yêu thích với món cơm gà đặc sản của “Đảo quốc Sư Tử”. Tuy nhiên, gần đây khách hàng bắt đầu phàn nàn rằng thịt gà của quán không còn tươi ngon như trước đây.

Soki Wu đã buộc phải chuyển sang thịt gà đông lạnh sau khi Malaysia vào tháng trước ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà tươi sống để ứng phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả leo thang.

Lệnh cấm của Malaysia khiến Singapore, nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực của Malaysia, quan ngại. Theo số liệu chính thức, khoảng 33% lượng thịt gà nhập khẩu của Singapore trong năm 2021 là từ Malaysia.

Chủ quầy cơm gà Soki Wu cho biết việc sử dụng gà đông lạnh đã làm ảnh hưởng đến hương vị của món ăn, nhưng họ không còn cách nào khác. Chính phủ Singapore mới đây đã ký một thỏa thuận với Indonesia về việc xuất khẩu thịt gà để giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn cung. Soki Wu hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp anh duy trì hoạt động của quán ăn.

Không chỉ thiếu nguồn cung thực phẩm có chất lượng tốt, các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng đang đối mặt với chi phí nguyên liệu gia tăng do lạm phát khiến họ phải tăng giá để bù chi phí.

Tại quầy hàng ăn của Soki Wu, giá các món ăn hiện cao hơn từ 10-20% so với trước đây. Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng đang phải trả nhiều tiền hơn cho một món ăn có chất lượng tương đương hoặc kém hơn.

Theo hãng nghiên cứu Capital Economics, từ đầu năm đến nay, giá lương thực đã tăng gần 14% ở những nền kinh tế thị trường mới nổi và hơn 7% ở những nền kinh tế phát triển.

Ở những quốc gia mà người dân phải dùng ít nhất 1/3 thu nhập để mua thực phẩm, bất kỳ sự tăng giá mạnh nào cũng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng. Capital Economics dự báo, trong năm nay và năm tới, các hộ gia đình ở những thị trường phát triển có thể sẽ phải chi thêm 7 tỷ USD mỗi tháng cho thực phẩm và đồ uống do lạm phát leo thang.

Giá lương thực liên tục tăng trên toàn thế giới do hạn hán, các vấn đề về chuỗi cung ứng, cùng với chi phí năng lượng và phân bón cao. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng khiến giá lúa mì và dầu ăn tăng cao, gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Cuối tuần qua, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã ký thoả thuận về việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen, vốn bị ngăn chặn ở đó sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Thỏa thuận này được hy vọng sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục