Nước mắm truyền thống: Hành trình giữ hồn biển cả

17:08' - 24/07/2025
BNEWS Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt, việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống không chỉ là bài toán bảo tồn văn hóa mà còn là chiến lược thúc đẩy kinh tế biển bền vững.

Tại các xã Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm… của TP. Hồ Chí Minh, nước mắm truyền thống đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các địa phương “hồi sinh” mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

 

Từ làng nghề ven biển đến thương hiệu đặc trưng

Nước mắm - tinh túy ẩm thực của người Việt, vốn gắn bó mật thiết với các làng chài dọc theo chiều dài đất nước. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đủ điều kiện và tâm huyết để duy trì nghề làm nước mắm truyền thống trước làn sóng công nghiệp hóa sản xuất. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại các vùng ven biển của TP. Hồ Chí Minh nhiều năm qua tiên phong đi đầu trong việc duy trì và phát triển nghề nước mắm truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu một cách bài bản đưa nước mắm truyền thống của địa phương vươn xa.

Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nước mắm truyền thống từ cá cơm ở Phước Hải, chị Nguyễn Thị Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hati luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để chai nước mắm truyền thống của quê hương Phước Hải được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến?

Theo chị Chiến, để có được sản phẩm nước mắm cá cơm nguyên chất, đậm đà, mọi quy trình phải được kiểm soát nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến đóng chai. Cá cơm tươi sẽ được thu mua trực tiếp từ ngư dân vùng ven biển Long Hải, Phước Hải…, muối cũng được thu mua của bà con diêm dân từ cánh đồng muối lâu đời An Ngãi (xã Long Hải), sau đó đưa vào ủ trong lu đúng kỹ thuật, với thời gian từ 1 năm trở lên, sau đó mắm sẽ trải qua quá trình lọc nhiều lần để cho ra nước mắm thành phẩm giữ hương vị nguyên bản.

Không chỉ dừng lại ở chất lượng, doanh nghiệp còn chú trọng thiết kế mẫu mã, đa dạng dung tích nhằm tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng. Doanh nghiệp đã đưa ra nhiều loại chai với định lượng từ 300 ml, 500 ml, 1 lít, 5 lít…. Mỗi tháng, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hati sản xuất khoảng 50.000 lít nước mắm cá cơm. Nhờ chú trọng đến chất lượng cũng như mẫu mã, năm 2024, sản phẩm của doanh nghiệp đã được vinh danh là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam”. Không những vậy, hiện nay cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hati đang là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng biển Phước Hải.

Tương tự, ông Nguyễn Cao Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nước mắm Thiên Lộc, cũng là người con lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nước mắm và thấm nhuần đạo lý: “Nghề truyền thống không thể làm theo kiểu qua loa”. Sau nhiều năm sản xuất nhỏ lẻ, đầu năm 2022, ông Thiên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại, đồng thời tham gia các lớp đào tạo về xây dựng sản phẩm OCOP. Anh cũng đặc biệt quan tâm đến yếu tố nhận diện thương hiệu như: Logo, bao bì, tem nhãn…, nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm. Đến nay, nước mắm truyền thống mang thương hiệu Thiên Lộc đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh – mở ra cơ hội cho sản phẩm phân phối tại các siêu thị và sàn thương mại điện tử.

Những công đoạn sơ chế nguyên liệu, ủ muối hay chưng cất đều được Công ty TNHH Sản xuất nước mắm Thiên Lộc tiến hành kỹ lưỡng để tạo ra sản phẩm nước mắm chất lượng tốt nhất. Mỗi năm, cơ sở Thiên Lộc thu mua khoảng 500 tấn cá cơm, mỗi năm doanh nghiệp của anh cung cấp ra thị trường từ 30.000 - 40.000 lít nước mắm, phân phối đến các tỉnh thành như: Miền Trung, miền Tây và Hà Nội..... Năm 2024, Công ty TNHH Sản xuất nước mắm Thiên Lộc đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) hỗ trợ trang thiết bị sản xuất sau thu hoạch đó là một máy đóng chai với quy trình vệ sinh khép kín. Hiện, phía doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị triển khai liên kết với các hộ sản xuất trên địa bàn xã Hồ Tràm để thành lập hợp tác xã, nhằm giúp sản phẩm nước mắm nhĩ cá cơm nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Thiên chia sẻ: “Làm nước mắm truyền thống phải có tâm. Không chỉ giữ được hương vị truyền thống mà còn phải đổi mới để đáp ứng thị trường ngày càng khắt khe. Chúng tôi luôn tìm kiếm những mẫu bao bì đẹp, phù hợp để sản phẩm không chỉ chất lượng mà còn bắt mắt thu hút người tiêu dùng”.

Hỗ trợ từ chính quyền địa phương

Để các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đứng vững và phát triển, sự đồng hành từ chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng. Ông Huỳnh Phi Khánh, Chủ tịch UBND xã Hồ Tràm cho biết, chính quyền địa phương đã chủ động hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện thủ tục pháp lý, hướng dẫn quy trình đăng ký chất lượng, truy xuất nguồn gốc… Đồng thời, chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nước mắm trên địa bàn xã đầu tư cải tiến máy móc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Sự hỗ trợ này không chỉ mang lại niềm tin cho người làm nghề mà còn tạo động lực giúp các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong hành trình phát triển thương hiệu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua các cơ sở nước mắm truyền thống tại địa phương đã chủ động tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là nền tảng giúp các doanh nghiệp đánh giá lại quy trình sản xuất, chuẩn hóa chất lượng, định vị thương hiệu một cách rõ ràng hơn.

Các sản phẩm nước mắm đạt OCOP không chỉ được chứng nhận uy tín mà còn có cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối rộng khắp và tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Nhờ đó, nhiều cơ sở sản xuất trước đây chỉ hoạt động quy mô nhỏ lẻ nay đã mở rộng, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Trong thời gian tới, ngành chức năng thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống như: Tư vấn cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong và ngoài nước, truyền thông quảng bá thương hiệu, cũng như kết nối với các kênh phân phối lớn. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu. Nước mắm truyền thống, với hương vị đặc trưng và giá trị văn hóa sâu sắc, hoàn toàn có thể chinh phục người tiêu dùng quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục