Giá trị thiên nhiên từ tài nguyên rừng

11:32' - 17/02/2018
BNEWS Rừng là nơi lưu trữ các bon, nước, đất… Những giá trị được lưu trữ đó đang được hoàn trả lại cho những người tạo ra tài nguyên đó – người bảo vệ, phát triển rừng.

Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, tăng thu nhập cho chủ rừng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng - “lá phổi xanh” của nhân loại, bảo vệ môi trường, nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Giá trị thiên nhiên từ tài nguyên rừng. Ảnh: TTXVN

Tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng hàng chục héc ta từ năm 1995, ông Tránh A Thông, dân tộc Mông, ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái luôn được bà con nơi đây cũng như cán bộ địa phương đánh giá là một người có tình yêu miệt mài với rừng.

Rừng trong tay ông chưa một diện tích nào bị chặt phá hay bị phá hủy do cháy rừng. Dù kinh tế gia đình có lúc rất khó khăn nhưng gia đình ông chưa bao giờ có suy nghĩ khai thác cái gì đó từ rừng.
Công sức và tình yêu với rừng của ông và gia đình phần nào được bù đắp khi với trên 40 ha nhận khoán bảo vệ, năm 2017, gia đình ông A Thông đã nhận được trên 19 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Số tiền này tuy không đủ cho ông sửa ngôi nhà đang sập sệ, dột nát nhưng là nguồn lớn để ông trả nợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội khi một trong 3 đứa con của ông đi học được vay hỗ trợ. Số còn lại ông dành mua sắm một số vật dụng cần thiết cho gia đình và sắm sửa cho cái Tết này.
Theo ông A Thông, nếu không nhận khoán bảo vệ rừng thì phần lớn người dân tộc Mông nơi đây chỉ có nguồn thu từ chăn nuôi vài con gà, con lợn và một số cây trồng khác.

Tham gia bảo vệ rừng đã giúp gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong xã có được một nguồn thu tốt. Đặc biệt khi có thêm tiền dịch vụ môi trường rừng, số tiền này có thể tăng lên, không chỉ trông chờ vào các khoản hỗ trợ cố định của Nhà nước.
Là đơn vị quản lý trên 33.000 ha rừng phòng hộ thuộc lưu vực sông Hồng, ông  Đào Công Trình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết, 100% diện tích rừng của Ban quản lý đã được trả dịch vụ môi trường rừng.

Với trên 5.100 hộ dân nhận giao khoán, 100% hộ đều là dân tộc Mông, nếu không có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng chỉ có các khoản hỗ trợ từ bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững là 400.000 đồng/ha/năm.
Năm đầu tiên (2013) được trả dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu chỉ chi trả được khoảng 20.000 đồng/ha.

Nhưng năm 2017, nhờ có thêm nhiều đơn vị dịch vụ sử dụng môi trường rừng nên mỗi héc ta được chi trả gần 200.000 đồng.

Với 100% hộ nhận giao khoán ở đây là dân tộc Mông, đời sống của người dân còn rất khó khăn, khó phát triển kinh tế, tiền dịch vụ môi trường rừng đã trở thành khoản thu khích lệ, động viên người dân tích cực tham gia bảo vệ, gắn bó với rừng hơn.
Trừ chi trả cho người dân được hưởng, số tiền trích ra từ dịch vụ môi trường rừng còn là nguồn hỗ trợ tái thiết rừng khi rừng bị rủi ro thiên tai như: băng tuyết, lũ lụt…

Nếu không có nguồn tiền này, các ban quản lý sẽ phải xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ khắc phục. Như vậy, đây là nguồn kinh phí đáng kể để giảm áp lực từ ngân sách và kịp thời hơn cho tái đầu tư rừng.
Ông Đào Công Trình cho biết, hàng năm, số tiền dịch vụ này sẽ thay đổi theo nguồn thu. Càng nhiều đơn vị sử dụng tài nguyên rừng đem lại thì nguồn thu sẽ càng tăng lên.

Để rừng tiếp tục được chi trả dịch vụ môi trường rừng, người giữ rừng phải tiếp tục chăm nuôi, khoanh nuôi diện tích rừng chưa đủ điều kiện.

Tức là khoanh nuôi tự nhiên kết hợp trồng bổ sung để nâng chất lượng rừng để đảm bảo thành rừng, cùng với đó trồng mới trên đất chưa có rừng.
Năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương và các quỹ địa phương đã tích cực chủ động triển khai ký kết các hợp đồng uỷ thác chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cả nước đã có 494  hợp đồng được ký kết; trong đó: thủy điện 339 hợp đồng, nước sạch 96 hợp đồng, du lịch 59 hợp đồng.

Quỹ cũng triển khai thí điểm các loại dịch vụ môi trường rừng mới từ các cơ sở sản xuất nước công nghiệp có sử dụng nước mặt, trong nuôi trồng thủy sản, dịch vụ lưu trữ các bon của rừng…
Hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã được thành lập tại 44 tỉnh thành. Năm 2017, cả nước đã thu được trên 1.700 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2016.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là con số rất có ý nghĩa khi mà đầu tư của nhà nước cho lâm nghiệp không được nhiều.

Nguồn kinh phí này sẽ giúp người trồng rừng có thêm động lực tái đầu tư và bảo vệ rừng, từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn.
Trong năm qua, đã có gần 6 triệu ha, chiếm 45% tổng diện tích rừng toàn quốc được xác định hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong số gần 6 triệu ha đó phần lớn được khoán quản lý bảo vệ cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng.
Năm 2018, Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục đảm bảo duy trì số diện tích trên được quản lý bảo vệ bằng nguồn tiền này nhưng với số tiền thu được khoảng 2.268 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, tăng 30% so với năm 2017.
Dịch vụ môi trường rừng đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Đặc biệt là hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có tiền nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
Dịch vụ môi trường rừng là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người. Đây cũng là điểm mới khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như: tín chỉ các bon, thủy sản… thì cần tính đúng, tính đủ và chi đúng, chi đủ nguồn tài chính này cho những nơi rừng đã sản sinh ra những giá trị đó.

Việc tiếp tục phát triển các nguồn thu dịch vụ môi trường mới góp phần nâng cao vị thế, vai trò của môi trường rừng đối với đời sống, sản xuất xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục