Giá vàng giảm tuần thứ hai liên tiếp

16:31' - 23/07/2016
BNEWS Thị trường vàng trồi sụt bất nhất trong suốt tuần qua, chủ yếu dựa vào sự dao động của chỉ số đồng USD.
Giá vàng giảm tuần thứ hai liên tiếp. Ảnh: reuters

Ngoài ra, sự giằng co tâm lý của giới đầu tư giữa một bên là những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ, báo hiệu khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trước cuối năm nay, còn một bên là những đồn đoán cho rằng "dư âm" của sự kiện cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến Fed trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất đến năm 2017, cũng tác động ngược chiều lên thị trường vàng.

Bất chấp sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, giá vàng liên tiếp đi lên trong hai phiên giao dịch đầu tuần, nhờ sự suy yếu của đồng USD. Tuy nhiên, giá kim loại quý này đã nhanh chóng rơi xuống mức thấp nhất của ba tuần trong phiên giao dịch ngày 20/7, giữa bối cảnh chứng khoán toàn cầu tiếp tục duy trì “sắc xanh” và đồng USD vọt lên mức cao kỷ lục của bốn tháng sau khi đón nhận những số liệu tích cực từ kinh tế Mỹ.

Chuyên gia phân tích Daniel Briesemann đến từ ngân hàng Commerzbank nhận định, những kỳ vọng rằng Fed sẽ đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất đã khiến các nhà đầu cơ đẩy mạnh bán ra chốt lời trên thị trường vàng.

Bên cạnh đó, tâm lý ngại rủi ro của giới đầu tư cũng đã được cải thiện khi thị trường đón nhận những gói kích thích kinh tế mới của các ngân hàng trung ương, qua đó giúp các sàn chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt lên điểm.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp ngày 21/7 đã giúp vàng tránh khỏi phiên giảm giá, giữa bối cảnh đồng USD hạ “nhiệt” và các chỉ số chứng khoán chủ chốt rời các mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/7, vàng lại mất giá do những lo ngại của giới đầu tư về chính sách lãi suất của Fed.

Cuối phiên 22/7 giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ giảm 0,6%, xuống 1.323,16 USD/ounce. Như vậy, tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm khoảng 1%, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2016 cũng lùi 0,6%, xuống 1.323,4 USD/ounce.

Trong tháng Bảy này, giá vàng có thời điểm leo lên mức cao nhất hai năm, khi các ngân hàng trung ương lớn như ECB và BoJ của Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, qua đó giúp các tài sản phi lãi suất như vàng được hưởng lợi.

Ngoài ra, báo cáo từ Cục Hải quan Liên bang Thụy Sỹ cho thấy quốc gia này tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vàng sang châu Á trong tháng 6/2016, cũng là một nhân tố hỗ trợ cho giá vàng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu vàng của Thụy Sỹ sang Hong Kong (Trung Quốc) tăng mạnh gần 50%, lên 35,8 tấn trong tháng 6/2016, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu vàng tới Trung Quốc gần như không đổi và kim ngạch xuất khẩu tới Ấn Độ cũng tăng cao.

Trong tháng trước, tổng kim ngạch xuất khẩu vàng từ Thụy Sỹ tới Trung Quốc ( tính cả Hong Kong) và Ấn Độ đạt tới 75 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 1/2016, cho thấy nhu cầu vàng tại châu Á đang có dấu hiệu cải thiện.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước thềm cuộc họp chính sách của Fed, dự kiến diễn ra hai ngày 26-27/7 tới, đã hãm lại đà tăng của vàng. Thêm vào đó, chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ, tăng 0,5% trong phiên này và chứng khoán Mỹ tiếp tục lên “đỉnh” càng khiến thị trường vàng ảm đạm hơn.

Cũng trong phiên cuối tuần, giá palladium tăng 0,7%, lên 687,40 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2015. Trong khi đó, giá bạc lại chứng kiến tuần giảm đầu tiên trong tám tuần qua, còn giá bạch kim cũng hạ 1,9%, xuống 1.077 USD/ounce. 

>>> Giá vàng châu Á ngày 22/7: Nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời, vàng xuống giá

>>> Giá vàng trong nước chiều 22/7 quay đầu đi xuống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục