Giá xăng, dầu giảm chưa tác động đến thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu

12:49' - 12/07/2022
BNEWS Lần điều chỉnh giá giảm này sau nhiều lần xăng, dầu liên tục tăng giá chưa tác động đến thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Từ 0 giờ ngày 11/7, mỗi lít xăng giảm từ 3.090-3.110 đồng, còn các mặt hàng dầu cũng hạ từ 800-3.020 đồng, nhưng lần điều chỉnh giá giảm sau nhiều lần xăng, dầu liên tục tăng giá chưa tác động đến thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Đặc biệt, với bối cảnh có những ngành nghề, lĩnh vực đã hình thành mặt bằng giá mới trong thời gian gần đây thì dự báo cần khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh giá cả hàng hóa, đảm bảo theo cơ chế thị trường.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Thu Hằng, chủ quán ăn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, sau thời gian dài thích ứng với giá xăng, dầu liên tục tăng giá thì khoảng một tháng nay quán đã điều chỉnh giá tăng từ 2.000-5.000 đồng/món; trong đó, một số món như bún bò có giá từ 35.000 đồng tăng lên 40.000 đồng, bún hến từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng, cơm hến từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng...

Theo chị Thu Hằng, không có người kinh doanh nào muốn tăng giá hàng hóa, nhất là trong thời điểm sức mua yếu như hiện nay. Đồng thời, với bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng dẫn đến việc ăn uống, mua sắm chỉ tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hơn.

Đồng quan điểm, anh Quốc Việt, Giám đốc Công ty trang trí nội thất Hoa Mộc cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022 hoạt động kinh doanh sản phẩm chỉ cầm chừng, còn ở lĩnh vực thi công công trình cũng bị giảm sút so với cùng kỳ. Trong khi đó, không ít nhà cung cấp nguyên vật liệu thông báo tăng giá và áp dụng biểu giá mới, nên đơn vị sản xuất kinh doanh gặp khó trong cân chỉnh giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

"Không chỉ trong một hay hai ngành nghề, lĩnh vực; hay chỉ khâu sản xuất kinh doanh với nguyên vật liệu, mà hầu như đơn vị trong chuỗi cung ứng hàng hóa đều phải hợp tác để tìm ra giải pháp ứng phó đối với biến động giá cả thị trường. Đặc biệt, trong chuỗi cung ứng từ nguyên vật liệu đến thành phẩm bán ra thị trường, thì khâu logistics là mắc xích quan trọng, nên muốn bình ổn giá cả hàng hóa cần có sự hỗ trợ và chia sẻ thách thức giữa các bên", anh Quốc Việt cho biết thêm.

Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 6/2022 trên địa bàn thành phố tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tồn kho chung của toàn ngành công nghiệp như sản xuất trang phục tăng 52,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 21,9%...

Trên thực tế, ở thời điểm giá xăng đã tăng vượt hơn 32.000 đồng/lít, thì ngay cả mặt hàng trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh cũng được chấp thuận áp dụng mức giá mới từ ngày 15/6/2022. Điển hình, với đợt điều chỉnh này, giá sản phẩm trứng gà loại 1, có giá bán lẻ 29.500 đồng/10 quả/vỉ tăng lên 31.500 đồng/10 quả/vỉ; sản phẩm trứng gà loại 1 có giá bán lẻ 17.700 đồng/6 quả/vỉ tăng lên 18.900 đồng/6 quả/vĩ, cùng tăng 6,78%.

Còn sản phẩm trứng vịt loại 1 có giá bán lẻ 35.000 đồng/10 quả/vỉ tăng lên 37.000 đồng/10 quả/vỉ; trứng vịt loại 1 có giá bán lẻ hiện hành 21.000 đồng/6 quả/vỉ lên 22.200 đồng/6 quả/vỉ, cùng tăng 5,71%. Hiện tại, mặt hàng trứng gia cầm tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang áp dụng mức giá như trên.

Lý giải nguyên nhân giá xăng, dầu giảm giá vẫn chưa tác động đến thị trường hàng hóa, một số chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường, nhưng giá cả thị trường lên xuống do biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định, tức có thể hiểu là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực điều chỉnh giá cả. Hơn thế nữa, xăng, dầu là chủng loại hàng hóa đặc biệt, khi giá cả mặt hàng này có biến động thì chắc chắn tác động ít nhiều đến nhiều mặt hàng khác, tuy nhiên không phải ngay lập tức và tùy ngành nghề, lĩnh vực sẽ có mức tác động khác nhau.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Mỹ Trang, cư ngụ tại quận 8, Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, với kinh nghiệm nội trợ lâu năm thì giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới, nhất là có xu hướng tăng thì khó xuống. Để có thể kéo giảm giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thì giá xăng, dầu cần được bình ổn và giảm sâu hơn.

Chị Mỹ Trang cũng cho hay, hiện nay các con chị đã bước vào kỳ nghỉ hè 2022, nên gia đình chủ động ăn "cơm nhà" để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Theo tính toán, nếu cả gia đình đi ăn ngoài điểm tâm sáng thì 4 người hết 150.000-200.000 đồng, nhưng nếu nấu ăn nhà thì tiết kiệm được một khoản nhất định và không mất tiền xăng di chuyển.

Ghi nhận ý kiến những người tiêu dùng khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng đánh giá, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có thể phải chờ thêm thời gian nữa mới có xu hướng giảm theo giá xăng, dầu, nhưng có tín hiệu tích cực là giá thuê nhà và nhiều dịch vụ sẽ không tăng giá trong thời gian tới. Trong thời gian qua, người dân phải liên tục cân đối thu nhập chạy theo giá cả thị trường nên không ít gia đình gặp khó khăn, việc giá xăng, dầu có xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực trong đời sống người dân.

Trong tình hình kinh tế chung của Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động thương mại, dịch vụ đến tháng 6/2022 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng rất khả quan so với thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy nhiên, hoạt động thương mại, dịch vu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn đứng trước thách thức khi chịu tác động giá xăng, dầu ở mức cao, tình hình lạm phát toàn cầu và những bất ổn chính trị thế giới.

Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2022 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt 99.657 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính quý II/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt 292.097 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với quý I/2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đã tăng 10,5%. Nhằm tận dụng tối đa đà tăng trưởng của thị trường bán lẻ và dịch vụ, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục thực hiện hoạt động kích cầu tiêu dùng trong mùa hè năm 2022, cũng như những tháng tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục