Giải bài toán phân phối nông sản - Bài cuối: Liên kết thành chuỗi giá trị khép kín

10:48' - 11/11/2018
BNEWS Nông sản Việt Nam muốn phát triển ổn định, tránh hiện tượng lúc thừa, lúc thiếu, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cùng có chính sách và quy hoạch cụ thể cho từng vùng sản xuất.

Việc sản xuất nông sản phải được liên kết thành chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trồng đến thu mua, chế biến và xuất bán ra thị trường. Để làm được điều này vai trò xây dựng chính sách của ngành nông nghiệp là rất quan trọng đối với một nước xuất khẩu mạnh nông sản như Việt Nam.

* Có kế hoạch cụ thể

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, muốn phát triển một “mảng” trong lĩnh vực nông nghiệp, điều trước tiên là nghiên cứu thật kỹ nhu cầu thị trường và thông tin quy hoạch sản xuất từ chính quyền địa phương.

Với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, internet và điện thoại thông minh, nông dân có thể tự nghiên cứu thị trường và thông tin để đưa ra quyết định chính xác về việc lập kế hoạch sản xuất cho diện tích của mình. Ảnh minh họa: TTXVN

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đối với việc dự báo thông tin thị trường, đánh giá nhu cầu thì cơ quan chức năng đóng vai trò chính. Người dân chỉ từ đó nắm bắt thông tin và điều chỉnh sản xuất, chứ họ không thể tự đánh giá thị trường được. Vì vậy, khi nông sản dư thừa là một phần trách nhiệm lớn của các cơ quan quản lý nhà nước.

Do đó, hướng dẫn nông dân cách tìm hiểu thị trường là yêu cầu rất cần thiết. Đây là điều khó khăn đối với những người sản xuất theo thói quen. Nhưng hiện nay, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, internet và điện thoại thông minh đi sâu vào cuộc sống người dân, mỗi nông dân đều dễ dàng sở hữu một thiết bị thông minh giúp họ tự nghiên cứu thị trường và thông tin để đưa ra quyết định chính xác về việc lập kế hoạch sản xuất cho diện tích của mình.

Những văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp, sự hướng dẫn của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc định hướng thị trường cho người sản xuất, doanh nghiệp và khâu phân phối.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, để sản phẩm nông nghiệp của người dân được phân phối một cách hợp lý, cả người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng được hưởng lợi, tỉnh Hậu Giang cũng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chợ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa.

Ngoài ra, tỉnh quyết liệt thực hiện quản lý thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Tỉnh hậu Giang tránh để xảy ra tình trạng nông dân bán sản phẩm giá thấp, vừa không thu được lợi nhuận, vừa lũng đoạn giá tại các khu vực khác.

Không những thế, tỉnh Hậu Giang quyết liệt phát triển lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, quan tâm xúc tiến thương mại tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh để các sản phẩm nông sản của Hậu Giang có thể đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị. Mỗi địa phương chỉ sản xuất những sản phẩm phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện địa lý và thời tiết. Vì vậy, nếu chỉ hướng dẫn tiêu thụ cục bộ trong tỉnh, sản phẩm của người sản xuất khó được phân phối đều, giá trị mang lại cũng không cao.

* Đa chiều thông tin

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thứ ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong chiến lược cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh thị trường, có nhiều đối tác không ngần ngại tung tin giả, tin thất thiệt cho một ngành hàng nào đó.

Việc quản lý cách truyền thông sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển ngành hàng nhất là đối với các ngành hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Trong khi hệ thống chế biến nông sản của Việt Nam chưa mạnh, chỉ cần một tin thất thiệt cũng khiến lao đao toàn ngành trong một khoảng thời gian nhất định. Bao nhiêu đó cũng đủ gây hại lớn cho toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi hệ thống chế biến nông sản của Việt Nam chưa mạnh, chỉ cần một tin thất thiệt cũng khiến lao đao toàn ngành trong một khoảng thời gian nhất định. Ảnh minh họa: Đức Nhung/TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Thị trường nông sản Việt Nam thời gian gần đây đã trải qua nhiều những cuộc “giải cứu”, từ thanh long đến dưa hấu, hành tím, mía đường,… Qua các cuộc “giải cứu” đã bộc lộ điểm yếu nhất trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đó là việc dự báo thị trường, liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Hiện người nông dân vẫn trồng trọt và chăn nuôi theo năng lực của từng hộ gia đình, thiếu liên kết lẫn nhau và liên kết với doanh nghiệp. Nông dân vẫn còn dậm chân với tư duy “giá tốt thì sản xuất”, không có thông tin thị trường định hướng cho tổ chức sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo các Viện nghiên cứu, cùng các doanh nghiệp phối hợp với dân làm từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm cho đồng đều, tập trung các hộ nông sản sản xuất nhỏ thành một tập thể có diện tích sản xuất lớn. Hoàn thành bước chuẩn bị nguyên liệu, Bộ sẽ cùng các đơn vị thực hiệp tiếp giải pháp căn cơ lâu dài là đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi, hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản được ổn định.

Bên cạnh việc thực hiện sản xuất tốt, sản phẩm cũng cần một giải pháp truyền thông tốt để tăng thêm hình ảnh và giá trị sản phẩm. Trong trường hợp chỉ cần một thông tin xấu đối với nông sản, thì hậu quả không thể nào lường trược. Do đó, chính người tiêu dùng, doanh nghiệp, người sản xuất phải tìm hiểu thông tin đa chiều để tranh gây thiệt hại kinh tế cho người sản xuất./.

Xem thêm:

>>Giải bài toán phân phối nông sản - Bài 1: Hiệu quả từ việc liên kết

>>Giải bài toán phân phối nông sản - Bài 2: Tạo sự khác biệt sản phẩm để cạnh tranh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục