“Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn: Đâu là giải pháp căn cơ?
Tăng trưởng quá “nóng”, cung liên tục vượt cầu, trong khi thị trường nhập khẩu Trung Quốc thì không ổn định. Đó là những nguyên nhân chính khiến ngành chăn nuôi lợn của cả nước hiện như “ngồi trên đống lửa”. Giá lợn hơi hiện xuống thấp chạm đáy, nhiều trang trại, người nuôi rơi vào tình trạng phá sản.
* Người chăn nuôi rơi vào “cùng cực”
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, thông thường mỗi năm, cả nước chỉ sản xuất khoảng 27,5 triệu con lợn. Với số lượng này vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu một phần sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 - 2016, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh do nhu cầu xuất sang Trung Quốc tăng đã khiến nhiều người dân đổ xô vào nuôi lợn, nhất là ở Đồng Nai, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Tổng đàn lợn của cả nước trong những tháng đầu năm 2017 đã lên đến gần 30 triệu con.
“Từ tháng 11/2016 đến nay, Trung Quốc lấy lý do thịt lợn Việt Nam nhiễm khuẩn Salmonella để tạm dừng nhập khẩu thịt lợn. Sản xuất quá nhiều trong khi xuất khẩu lại bị “ách tắc” đã khiến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng”, ông Vang cho biết.
Tại “thủ phủ” nuôi lợn của cả nước, nhiều hộ chăn nuôi lợn Đồng Nai đang trong tình cảnh hết sức khốn đốn, “tiến” không được mà “lui” cũng không xong.
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, nhiều hộ nuôi ở Đồng Nai thậm chí giờ không còn tiền để lấy thức ăn, chưa kể tiền nợ ngân hàng nhưng vẫn phải gắng nuôi cầm chừng, vì không có thương lái đến thu mua. Hàng loạt trang trại bị thua lỗ nặng nề, người chăn nuôi rơi vào cảnh phá sản, không còn vốn để tái đàn.Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi lợn đang rơi vào “cùng cực” trong vòng xoáy giảm giá. Cách đây khoảng 4-5 tháng, các trang trại này đã phải bỏ ra 2,2 triệu đồng/con để mua con giống (lợn giống thường có trọng lượng 20 kg/con).
Thế nhưng, thời điểm này, nhiều trang trại xuất lợn hơi ở Đồng Nai chỉ bán được ở mức 24.000 đồng/kg, với năng suất trung bình 110 kg/con thì nhận được hơn 2,6 triệu đồng/con.
Với mức giá bán như trên, hầu như người nuôi mất trắng tiền mua thức ăn chăn nuôi, tiền công nuôi… trong những tháng qua. Không chỉ riêng người chăn nuôi lợn thua lỗ, một số mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị cũng bị vạ lây theo.
Ngoài ra, với lượng lợn nái trên cả nước hiện nay khoảng 4,2 triệu con là con số quá khủng khiếp, đứng thứ 4 trên thế giới. Do vậy, lời giải đầu tiên cho việc cứu ngành chăn nuôi lợn được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là bắt buộc phải giảm đàn lợn nái, chọn lựa, giữ lại giống tốt. Loại bỏ lợn nái từ lứa 6 trở lên, đồng thời phải có trợ giá cho người chăn nuôi vượt qua khốn khó này.
*Kêu gọi doanh nghiệp chế biến vào cuộc
Để từng bước ổn định và phát triển ngành chăn nuôi nói chung, nhất là đối với chăn nuôi lợn, ngày 12/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp giải cứu ngành.
Trong đó, có nội dung yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như: Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Corp… tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè sắp tới. Đây được xem là một trong những giải pháp trước mắt để giải cứu ngành chăn nuôi lợn hiện nay, nhất là loại lợn đã quá lứa, hơn 110 kg/con.
Trước tình hình nguồn cung thịt lợn đang ở mức cao như hiện nay, một số doanh nghiệp cũng đã tăng cường việc cấp đông dữ trữ thịt lợn. Đơn cử như Vissan hiện cũng đã tăng giết mổ thêm 1.000 con đưa vào nguồn dự trữ.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để thực sự kêu gọi được doanh nghiệp tham gia vào vấn đề này, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trên thực tế việc dự trữ thịt lợn còn khá nhiều rủi ro. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có thống kê, đánh giá năng lực cấp đông của các doanh nghiệp và nhu cầu tiêu thụ loại thực phẩm này.
Ngoài việc cấp đông dự trữ, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế để các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xuất khẩu lợn sữa.
Dưới góc độ của một chuyên gia trong ngành, Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Công ty cổ phần CP Việt Nam cho rằng, thay vì đì tìm giải pháp xử lý lượng lợn thịt dư thừa ở khối lượng 100 kg thì xử lý đông lạnh lợn sữa là biện pháp kinh tế và cần kíp, nhất là với những trang trại không còn chuồng nuôi lợn thịt vì lượng lợn tồn chưa xuất bán được.Hiện nay, do giá lợn thịt giảm nên giá lợn sữa cũng có phần giảm theo, các công ty thu mua lợn sữa đem cấp đông để xuất khẩu cũng sẽ thuận lợi về mặt giá cả.
Theo Tiến sĩ Kiều Minh Lực, hiện xuất khẩu thịt lợn vẫn đang bế tắc thì xuất khẩu lợn sữa lại đang có đầu ra, có thị trường nhất định. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có những chính sách khuyến khích các công ty đẩy mạnh xuất khẩu lợn sữa, qua đó, góp phần quan trọng vào việc giảm bớt đàn lợn con đang quá dư thừa hiện nay.*Quy hoạch lại vùng nuôi
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng này tăng trưởng "nóng" trong ngành chăn nuôi lợn hiện nay, bắt buộc phải sử dụng biện pháp hành chính, nghĩa là phải có quy hoạch từng vùng.
Dựa trên cơ sở đó, hộ nông dân nào muốn chăn nuôi phải đăng ký, phải có mã số trang trại, đáp ứng đủ các tiêu chí về xử lý môi trường, đảm bảo yêu cầu về diện tích trang trại… Đây cũng là điều mà các nước tiên tiến đang áp dụng hiện nay.
“Chẳng hạn như ở Đồng Nai chỉ được phát triển cỡ 1,4 triệu con lợn chứ không để vượt mức lên 2 triệu con như hiện nay rồi mới quay ra tìm đầu ra. Sau khi có quy hoạch rồi thì sẽ giao về cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý việc phát triển đàn”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai dẫn chứng.
Đồng quan điểm này, ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho rằng, việc hoạch định về chiến lược chăn nuôi cần xác định nơi có ưu thế về chăn nuôi, sau đó đặt ra hạn ngạch về số trang trại được cấp phép, số lượng đầu lợn được phép nuôi.
“Nếu trang trại chỉ được phép nuôi 1.000 con mà nuôi nhiều hơn thì buộc phải đóng thuế môi trường gấp nhiều lần. Đối với xuất khẩu, khi nào doanh nghiệp mở được thị trường thì mới mở rộng chăn nuôi. Điều này sẽ giúp Nhà nước quản lý được sản lượng, chứ không như hiện nay, ai muốn nuôi thì nuôi, ai muốn ngưng thì ngưng”, ông Mười nói.
Các chuyên gia cho rằng, để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững trong thời gian tới, về giải pháp lâu dài, phải tổ chức lại chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất lên để tăng hiệu quả.
Chỉ khi chăn nuôi có chỉ dẫn địa lý và có uy tín trên thế giới thì việc xuất khẩu sang các nước sẽ dễ dàng được chấp nhận. Ngoài ra, phải chuyên nghiệp hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tỉ lệ tiêu tốn thức ăn giảm xuống.“Các nước chỉ tiêu tốn 2,2kg thức ăn cho mỗi kg tăng trọng nhưng ở Việt Nam thì tới 2,8-3kg. Do vậy, phải làm sao kéo xuống 2,4 kg/kg thịt thì giá thành chăn nuôi sẽ giảm xuống.
Hiện tại, giá thành lợn là 38.000 đồng/kg, làm sao kéo xuống mức 30.000 đồng/kg thì mới có thể cạnh tranh được. Với mức giá này, giá thịt lợn Việt Nam vẫn cao hơn các nước nhưng khoảng cách không còn xa, tương tự Thái Lan là được rồi”, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất./.
- Từ khóa :
- giá thịt lợn
- nuôi lợn
- ngàng chăn nuôi
- thịt lợn mất giá
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Yêu cầu dừng thi công dự án trang trại chăn nuôi lợn tại Nghệ An
09:54' - 13/04/2017
Tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ dự án dừng ngay toàn bộ hoạt động thi công xây dựng Dự án “Trang trại chăn nuôi lợn tại Nghệ An”, được xây dựng tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
-
Kinh tế & Xã hội
Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai "treo chuồng" vì giá xuống thấp
16:18' - 10/04/2017
Nhiều ngày gần đây, trên các con đường thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai không khó để bắt gặp những tấm biển với cùng nội dung “bán đất”, “bán trại”.
-
Kinh tế & Xã hội
Rà soát, quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường
15:22' - 13/01/2017
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Sản xuất lúa liên tiếp bội thu nhờ thích ứng với biến đổi khí hậu
15:00'
Đáng chú ý là 100% diện tích lúa hàng hóa trên địa bàn đã được thương lái thu mua với giá cao hơn từ 1.300 đồng đến 2.200 đồng/kg so với năm trước.
-
Kinh tế Việt Nam
Nâng cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Malaysia phản ánh cam kết sâu sắc hơn đối với sự phát triển chung của hai nước
13:42'
Hai nước là những người bạn lâu năm và đều là những thành viên không thể tách rời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
-
Kinh tế Việt Nam
Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024: Minh bạch và hiệu quả
13:39'
Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024 được tổ chức vào tối ngày 28/11/2024 tại Quảng trường phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Quận Tây Hồ, Hà Nội.
-
Kinh tế Việt Nam
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
11:01'
Sáng 25/11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bulgaria
10:31'
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân đã đến thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành toàn diện và đồng bộ
08:30'
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
-
Kinh tế Việt Nam
Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp tốt được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi
08:20'
Để khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng trong năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã
-
Kinh tế Việt Nam
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
08:14'
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tinh gọn bộ máy chính trị phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
08:06'
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/11, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.