Giai đoạn mới trong hợp tác ASEAN-Hàn Quốc

08:12' - 25/11/2019
BNEWS Với "chính sách hướng Nam mới" của Tổng thống Moon Jae-in, quan hệ Hàn Quốc và ASEAN nói chung cũng như với từng nước thành viên ASEAN nói riêng đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Thành phố Thông minh Busan Eco-Delta. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN  

Hội nghị cấp cao đặc biệt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hàn Quốc lần thứ ba diễn ra tại thành phố cảng Busan, miền Nam Hàn Quốc ngày 25-26/11 để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên, cùng với Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất diễn ra sau đó 1 ngày được giới chức cũng như người dân Hàn Quốc cho là những sự kiện quốc tế lớn nhất ở nước này kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức.

Sự chuẩn bị rất chu đáo và tỉ mỉ của nước chủ nhà đối với hai sự kiện ngoại giao này cùng hàng chục hoạt động bên lề trong mấy tháng qua là minh chứng cho thấy Hàn Quốc thực sự quyết tâm và nỗ lực trong việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN bằng “Chính sách hướng Nam mới” với mục tiêu hiện thực hóa “một cộng đồng ASEAN-Hàn Quốc cùng phát triển, thịnh vượng và hòa bình cho người dân”.

Không chỉ hợp tác về ngoại giao và kinh tế, “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc còn bao gồm những kế hoạch hợp tác thực chất tạo ra sự cân bằng với các quốc gia phía Nam nhằm cùng phát triển thịnh vượng.

Đối với Seoul, chính sách này không chỉ giúp Hàn Quốc mở rộng hợp tác với các đối tác mới và tăng cường tầm ảnh hưởng trong một khu vực rộng lớn, mà còn tạo cơ hội để giảm bớt sự lệ thuộc lớn vào 4 đối tác lâu nay của Hàn Quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Có thể coi đây như một bước đi “nhất cử lưỡng tiện” của Hàn Quốc trong bối cảnh thế giới có những diễn biến mới như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hay việc Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu những mặt hàng quan trọng đối với ngành công nghiệp của Hàn Quốc. 

Trong khi đó, các nước ASEAN đều đón nhận “chính sách hướng Nam mới“ của Hàn Quốc, qua đó đưa Hàn Quốc là một trong những đối tác gần gũi và quan trọng hàng đầu của ASEAN.

Không những thế, các nước ASEAN đang tích cực thúc đẩy để hợp tác với Hàn Quốc mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích cho cả hai.

“Chính sách hướng Nam mới” được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra năm 2017 ngay sau khi ông đắc cử.

Có thể nói trong 2 năm thực hiện chính sách này, quan hệ Hàn Quốc-ASEAN nói chung cũng như giữa Hàn Quốc và từng nước thành viên ASEAN nói riêng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. 

Về quan hệ ngoại giao, ông  Moon Jae-In đã trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thăm tất cả 10 quốc gia ASEAN trong thời gian đương nhiệm.

Ở cấp thấp hơn, hai bên đã tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp bộ trưởng, từ Quốc phòng, Ngoại giao đến Văn hóa, Lâm nghiệp…; thiết lập các cơ quan hợp tác trong từng lĩnh vực như Trung tâm Hợp tác khoa học công nghệ, Trung tâm Hợp tác tài chính; mở rộng các quỹ hợp tác như Quỹ Hàn-ASEAN và Hàn-Mekong, chương trình cấp vốn ODA hướng Nam mới…

Bên cạnh đó, hai bên đã đạt những kết quả hợp tác thực chất như mở rộng chính sách cấp thị thực nhiều lần, đơn giản hóa thủ tục xin thị thực, mở rộng các chương trình học bổng dành cho các quốc gia ASEAN, nhất trí ký Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), mở rộng tự do hóa hàng không với Singapore, mở rộng hợp tác giáo dục đào tạo nghề...

Một trong những thành quả đáng ghi nhận nữa là đảm bảo sự đồng thuận trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hợp tác an ninh phi truyền thống và ứng phó với thiên tai…

Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn mở rộng hợp tác với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong trong nhiều lĩnh vực như văn hóa du lịch, phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin truyền thông (ICT), môi trường… nhằm thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng chung.

Nếu tính xa hơn nữa, kể từ khi Hàn Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại, mối quan hệ hai bên đã phát triển rất nhanh.

Kim ngạch giao dịch tăng gấp 20 lần và giao lưu nhân dân tăng gấp 100 lần. ASEAN là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc, đồng thời là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất đối với người dân nước này, trong khi Hàn Quốc là đối tác kinh tế lớn thứ năm của ASEAN và là điểm đến hàng đầu của người lao động, du học sinh và khách du lịch ASEAN.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc năm nay sẽ đánh giá lại những thành tựu đạt được trong hợp tác hai bên trong 30 năm qua và đưa ra những phương hướng hợp tác trong 30 năm tới.

Hàn Quốc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai thực hiện “Chính sách hướng Nam Mới”, vì vậy hội nghị cấp cao lần này sẽ là nơi Tổng thống Moon Jae-in công bố giai đoạn thứ hai, trong đó có những chương trình hợp tác mới.

Trong khi đó, tại Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần đầu tiên, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ công bố những đóng góp to lớn hơn cho các nước trong tiểu vùng sông Mekong và sẽ thúc đẩy để hội nghị cấp cao này thành một sự kiện thường niên.

Hai bên sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực giáo dục bậc cao và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa-du lịch như bảo tồn, phục hồi di sản văn hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi chính sách, thúc đẩy hợp tác kinh tế như ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa các tập đoàn, doanh nghiệp các nước sông Mekong-Hàn Quốc...

Phát biểu nhân sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội tháng 9/2018, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha  đã tuyên bố: "Quan hệ với ASEAN là tất yếu cho sự thịnh vượng và hòa bình của Hàn Quốc, và Việt Nam nằm ở trung tâm của mối quan hệ đó”.

Theo giới chức Hàn Quốc, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN trên cơ sở các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại với các nước ASEAN, hay nói cách khác, một nửa thương mại của Hàn Quốc là với Việt Nam, trong khi hơn một nửa số vốn đầu tư vào ASEAN là đến nền kinh tế Việt Nam.

Về quan hệ văn hóa xã hội, điểm đến số một của người dân Hàn Quốc trong số các nước ASEAN là Việt Nam.

Còn phải kể đến những đóng góp của Việt Nam cho hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, thể hiện rõ nhất qua việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi đầu năm nay.

Rất nhiều lần, các quan chức Hàn Quốc khẳng định đối với nước này, Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng hàng đầu trong ASEAN, do đó để phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN trong tương lai, Việt Nam sẽ vẫn giữ vai trò chủ chốt, nhất là trong năm 2020, Việt Nam đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN đồng thời là nước điều phối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước tiểu vùng sông Mekong.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được bầu là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Với những kinh nghiệm của mình trong khu vực, Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ với Hàn Quốc để thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa Hàn Quốc và toàn ASEAN.

Có thể nói, với Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc lần thứ ba này, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc đã có thêm động lực để nâng lên một tầm cao mới, cùng hỗ trợ lẫn nhau phát triển vì mục tiêu hòa bình, ổn định trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục