Giải mã mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong thập kỷ qua của Canada

05:30' - 15/05/2023
BNEWS Trong 10 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người thực tế của Canada chỉ tăng trung bình 0,8% một năm, tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ những năm 1930.

Theo trang mạng Financial Post, trong mười năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người thực tế của Canada chỉ tăng trung bình 0,8% một năm, tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ những năm 1930.

GDP đã tăng lên vì dân số ngày càng tăng, nhưng GDP bình quân đầu người về cơ bản vẫn trì trệ. Giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài này đã nới rộng khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người ở Mỹ và Canada, chứng tỏ rằng nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng sụt giảm là ở trong nước chứ không phải bên ngoài.
Từ quý IV/2016 đến cuối năm 2022, GDP bình quân đầu người thực tế tăng 11,7% ở Mỹ, nhưng chỉ 2,8% ở Canada. Mỹ đã phát triển vượt xa trước, trong và sau đại dịch. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, Mỹ vượt xa Canada với 3,5 điểm phần trăm.

Trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch, trong nửa đầu năm 2020, GDP thực tế bình quân đầu người đã giảm 9,7% ở Mỹ so với 13,2% ở Canada. Và kể từ giữa năm 2020, GDP đã tăng 15,3% ở Mỹ so với mức tăng14,1% của Canada.

Khả năng duy trì tăng trưởng của người Mỹ trong thập kỷ qua cho thấy rằng sự trì trệ của Canada không phải là kết quả tất yếu của già hóa dân số hoặc cạn kiệt các đổi mới công nghệ - những thứ cũng đang tác động đến Mỹ - mà thay vào đó phản ánh các yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của nước này.
Ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng Canada cần giải quyết tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chững lại của mình. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã đi trước đón đầu về vấn đề này.

Đầu năm 2019, Hội đồng doanh nghiệp Canada đã ra mắt Lực lượng đặc biệt về tương lai kinh tế của Canada, tập trung vào sáu lĩnh vực chính sách cần hành động để nâng cao triển vọng kinh tế của Canada.
Vào năm ngoái, cựu Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau đã tiết lộ một lý do khiến ông ra tranh cử vào năm 2015 là: "Tăng trưởng kinh tế của Canada đã bị đình trệ trong hai thập kỷ trở lên và nó cần được phục hồi".

Với tư cách là Bộ trưởng, ông đã bổ nhiệm một Hội đồng tư vấn về tăng trưởng kinh tế, nhưng tình trạng tăng trưởng chậm lại thực sự trở nên tồi tệ hơn trong thời gian ông tại vị.

Một sáng kiến ủng hộ tăng trưởng khác là Liên minh lưỡng đảng vì một tương lai tốt đẹp hơn, do các cựu bộ trưởng nội các Lisa Raitt (đảng Bảo thủ) và Anne McLellan (đảng Tự do) đứng đầu. Mục tiêu là xây dựng sự đồng thuận về cách khuyến khích tăng trưởng, nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và quản lý chính sách khí hậu.
Nguyên nhân rõ ràng nhất dẫn đến tăng trưởng chậm là đầu tư kinh doanh và xuất khẩu. Kể từ quý IV/2014, đầu tư kinh doanh vào quốc gia này đã giảm 17,6% về khối lượng ngay cả khi ghi nhận tăng 23,5% ở Mỹ. Trong khi đó, kể từ khi đạt đỉnh vào quý III/2015, khối lượng xuất khẩu hàng hóa của Canada đã giảm 0,4%, trong khi ở Mỹ tăng 14%.
Xuất khẩu hàng hóa và đầu tư kinh doanh vào nhà máy và thiết bị chiếm 37% nền kinh tế Canada. Khi hơn một phần ba nền kinh tế đã suy giảm trong khoảng thời gian tám năm, tăng trưởng kinh tế nói chung chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng điều đó đặc biệt đúng đối với đầu tư và xuất khẩu, những lĩnh vực chứa đựng các công nghệ đổi mới và hiệu quả nhất của Canada: Họ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và đổi mới cao nhất.
Đầu tư kinh doanh sụt giảm ở Canada là một mối quan tâm đặc biệt. Ngày càng có nhiều hiểu biết rằng Canada đã lãng phí một thập kỷ lãi suất thấp đối với nợ chính phủ, nhà ở và không đủ đầu tư kinh doanh.

Mức đầu tư thấp kể từ năm 2014 đã dẫn đến sự sụt giảm hoàn toàn về đầu tư trên mỗi lao động, từ 16.000 CAD (11.900 USD) năm 2014 xuống còn 11.900 CAD (8.900 USD) vào năm 2021. Hệ lụy lâu dài của việc giảm tỷ lệ vốn trên lao động là rất đáng lo ngại.
Ngoài tác động trực tiếp đến tăng trưởng, sự sụt giảm liên tục trong đầu tư kinh doanh và xuất khẩu chỉ ra những thiếu sót về cơ cấu trong nền kinh tế Canada, bao gồm tỷ lệ thành lập doanh nghiệp thấp, sự không chắc chắn về chính sách, rào cản pháp lý đối với đầu tư (đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên), hạn chế thương mại nội địa, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đang lung lay và mức độ năng suất và đổi mới thấp.
Một biểu hiện của đầu tư kinh doanh yếu thường xuyên và năng suất thấp là dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Canada trong khoảng thời gian từ năm 2020-2060 sẽ ở mức thấp nhất trong số 29 quốc gia thành viên. Điều này nhấn mạnh rằng, nếu không có những thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận tăng trưởng, thì tình trạng thiếu máu của nền kinh tế Canada sẽ kéo dài. 
Để quay trở lại với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đòi hỏi không chỉ là việc tăng cường tài trợ bằng vay nợ một lần để trợ cấp thu nhập, mà còn khai thác tiềm năng của các nhà đổi mới và doanh nhân Canada./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục