Giải ngân vốn đầu tư công vào chặng đua nước rút

10:18' - 15/01/2025
BNEWS “Tăng tốc” để về đích là cụm từ được nhiều địa phương trong cả nước hô hào để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Chỉ còn 2 tuần nữa là thời gian niên hạn ngân sách năm 2024 kết thúc. “Tăng tốc” để về đích là cụm từ được nhiều địa phương trong cả nước hô hào để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Với quyết tâm sẽ giải ngân đạt 100% vốn được giao, nhiều địa phương đang “gấp rút” đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Là một trong “top 5” địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Đình ước đạt 8.570 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch năm. Theo đó, tất cả các nguồn vốn đều đã được giải ngân với tỷ lệ cao. Hầu hết các công trình dự án trên địa bàn tỉnh đều đúng tiến độ và đạt chất lượng

Ông Đỗ Minh Dưỡng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, đạt được kết quả trên là nhờ, trong năm, tỉnh Bình Định luôn nêu cao tinh thần “Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các sở, ngành linh hoạt trong điều hòa vốn, cương quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khối lượng thi công tốt.

Cùng với đó, Bình Định tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư nhập dự toán trên hệ thống quản lý ngân sách, đảm bảo nguồn vốn cho công tác chi trả và thanh toán vốn đầu tư công…

Cùng với Bình Định, Khánh Hòa cũng là một trong những địa phương là “điểm sáng” có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 84,7% so với kế hoạch vốn đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực tế. Dự kiến đến ngày 31/01/2025, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực tế đạt 95,1%.

Tuy nhiên, theo đánh giá tổng thể tình hình giải ngân vốn đầu tư công của cả nước thì các địa phương thực hiện còn chưa đồng đều. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 12/2024, cả nước giải ngân được trên 529.632 tỷ đồng, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 81,87% của cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, ước giải ngân 12 tháng vốn ngân sách Trung ương đạt trên 72% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức 70% của cùng kỳ năm 2023, nhưng vốn ngân sách địa phương ước giải ngân 12 tháng đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng, thấp hơn mức 94% của cùng kỳ năm 2023.

“Kết quả trên cho thấy những giải pháp, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của các tổ công tác, đoàn công tác của Chính phủ để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công trên cả nước đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.

 

Nguyên nhân là do thực tế hiện nay vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Riêng đối với vốn ngân sách địa phương có các khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất do chưa đảm bảo so với dự toán được cấp thẩm quyền giao, dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chủ yếu do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, nhất là các dự án hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất.

Cùng với đó, công tác xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, thu tiền sử dụng đất còn vướng mắc. Một số khoản thu ngân sách không đạt dự toán đề ra (thu quốc doanh địa phương, thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh) làm ảnh hưởng việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển của tỉnh.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, những khó khăn giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023. Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm nay là về nguồn vật liệu phục vụ cho thi công các công trình. Vấn đề này không chỉ liên quan tới Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến nhiều luật khác, nhất là Luật Khoáng sản, với các quy định liên quan đến cấp phép mỏ vật liệu.

Ngoài ra, trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như: kiểm đếm, nghiệm thu khối lượng hay thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán, cần được các chủ đầu tư làm sớm, làm nhanh. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát ngay kế hoạch vốn để có thể điều chỉnh phù hợp. Dự án nào chậm giải ngân, có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt, đảm bảo sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch được giao.

Thời gian để thực hiện đạt được mục tiêu còn rất ngắn, do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương từng nhấn mạnh, trong chặng đua nước rút, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

“Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024 được giao”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tp. Hồ Chí Minh, một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước, nhưng đến nay mới giải ngân đạt trên 51% đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp khác nhau như: lập kế hoạch đầu tư giải ngân vốn, xác định chi tiết những khó khăn, vướng mắc từng dự án, đề xuất khen thưởng những đơn vị có tiến độ giải ngân tốt hoặc kỷ luật những đơn vị giải ngân không kịp thời nhằm đạt mục tiêu trong năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Khánh Hòa sẽ tập trung hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được giao; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% trở lên; đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn năm 2025 ngay từ những tháng đầu năm.

Cùng với đó, tỉnh tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, nhất là công tác xác định giá đất, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh…

Còn theo ông Đỗ Minh Dưỡng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong thời gian tới; đó là: chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng đất đai và hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực xúc tiến đầu tư, tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Những nỗ lực này đã tạo ra môi trường thuận lợi để đầu tư công phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025.

Bên cạnh đó tỉnh luôn chủ động, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, giúp các dự án đầu tư triển khai thuận lợi. Cùng với đó, môi trường chính trị ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo, giúp các nhà đầu tư yên tâm khi triển khai các dự án quy mô lớn; đồng thời, tỉnh tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, tiêu chí quan trọng để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư công thời gian qua đã phát huy vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực để phát triển kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cùng với các luật khác như Luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Năm 2025 khi các luật đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả, hiệu lực giải quyết các ‘điểm nghẽn’ còn tồn tại”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục