Giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới

15:44' - 01/12/2020
BNEWS Mặc dù trước mắt ngành mía đường đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo các chuyên gia, cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn.

"Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" là hội thảo do Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo, Cục Phòng vệ Thương mại và Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sáng 1/12, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã khái quát tình hình và những thách thức lớn mà ngành mía đường phải đối diện trong bối cảnh hàng loạt các FTA như hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực từ 17/5/2010 và hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) 1992 gây sức ép lên toàn ngành.

Ông Phạm Tiến Nam chỉ ra rằng, các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực. Người tiêu dùng có xu hướng ưa tiêu thụ đường nhập khẩu do giá thành rẻ hơn tương đối.

Do đó, sau thời gian phát triển nóng, diện tích trồng mía đang có xu hướng thu hẹp. Số hộ nông dân và hợp tác xã trồng mía ngày càng giảm; tỷ lệ nông dân trồng mía nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số và chưa áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; khiến cho lợi thế cạnh tranh ngày càng suy yếu. Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống cộng với tình trạng đầu ra bấp bênh đã khiến ngày càng nhiều vùng bỏ cây mía, chuyển sang các giống cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Tại hội thảo, Trưởng Ban tổ chức, nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt cho rằng, cần phải tạo một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia hội nhập.

Với ngành mía đường, nhiều nước trên thế giới vẫn có những chính sách "bảo hộ" ngầm nhằm để duy trì giá mía hợp lý, đảm bảo đời sống cho bà con nông dân trồng mía, bảo vệ vùng nguyên liệu thì hãy cho doanh nghiệp mía đường trong nước một cơ hội được cạnh tranh công bằng với các nước trong khu vực.

Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ ngành mía đường là việc làm cần thiết và báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt với vai trò là đại diện cho tiếng nói của người nông dân nên sẽ lên tiếng ủng hộ những chính sách phù hợp với quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhằm bảo đảm đời sống và sinh kế cho người nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Riêng 9 tháng năm 2020 đã đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 206.600 tấn); trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam.

Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). Ngược lại, sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.

Cũng theo ông Dũng, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Trước đó, tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra và Cục sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết, hiện tại thực trạng vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng đang ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017 là 8.400 ha đến năm 2018 là 7.000 ha, đến năm 20 19: 4.800 ha Năm nay, hiện tại chỉ còn khoảng 2.40 0ha và dự kiến năm 2021 chỉ còn dưới 2.000 ha.

Về sản lượng thu mua cũng theo lũy kế giảm dần, cụ thể là năm 2017, công ty thu mua được 476.000 tấn, năm 2018 thu mua được 257.000 tấn, năm 2019 thu mua được 249.000 tấn và năm 2020 thu mua giảm còn 170.000 tấn.

Theo đó, thu nhập bình quân của người dân theo diện tích mía là năm 2017 lỗ 5 triệu đồng/ha, năm 2018 lỗ 8,4 triệu/ha, năm 2019 lỗ 200.000 đồng/ha, đến năm 2020 thì người dân hoà vốn.

Sở dĩ vậy do số lượng thu mua mía đường ngày càng giảm là do đường Thái Lan nhập chính ngạch nhập với giá thấp cạnh tranh không lành mạnh với đường của Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân khiến người dân bị thua lỗ và cũng có những chi phí không thể thay đổi một sớm một chiều được, ngoài ra phần lớn vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún.

Trao đổi về giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại.

Bởi nếu chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.

Hơn nữa, hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, chắc chắn sẽ khó sống do không thể cạnh tranh.

Mặc dù trước mắt ngành mía đường đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo các chuyên gia, cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…

Để đón được những cơ hội đó, ngoài những nỗ lực tái cơ cấu của ngành mía đường, vai trò của cơ quan quản lý cũng hết sức quan trọng. Vì vậy, cơ quan quản lý, cần nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến và xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp./.

Uyên Hương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục