Giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á

05:30' - 08/12/2024
BNEWS Đầu tư vào năng lượng tái tạo là một yêu cầu cấp thiết vì tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á vẫn cực kỳ thâm dụng carbon.
Báo Bangkok Post (Thái Lan) mới đây đăng bài viết của Melissa Moi, Trưởng phòng Kinh doanh bền vững, Văn phòng Phát triển bền vững của Tập đoàn UOB, nhận định về những thách thức đối với khu vực Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi năng lượng và đề xuất giải pháp. Nội dung chính của bài viết như sau:

Bạn có thể làm gì với 300 tỷ USD? Đối với các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện Mặt trời hoặc trang trại gió, câu trả lời là: không nhiều lắm. Kết luận gần đây của Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) cho chúng ta biết rằng khu vực này không thể chờ các quốc gia phát triển nâng cao con số đó. Các giải pháp cần phải đến từ bên trong và một khả năng khả thi là chính sách.

Tại COP29, các quốc gia phát triển đã nhất trí về mục tiêu tài trợ khí hậu là 300 tỷ USD để giúp các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng riêng Đông Nam Á cần 210 tỷ USD hàng năm để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng tái tạo của mình.

 
Đầu tư vào năng lượng tái tạo là một yêu cầu cấp thiết vì tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á vẫn cực kỳ thâm dụng carbon. Khu vực này có nguy cơ mất đi các cơ hội tăng trưởng khi các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ khuyến khích ngành công nghiệp xanh trong nước của họ phát triển bằng các chính sách ủng hộ quá trình khử carbon. Đông Nam Á có nguy cơ không thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường ở châu Âu.

COP29 nhấn mạnh giải pháp vốn tư nhân và cam kết của từng quốc gia để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự tham gia của khối tư nhân phụ thuộc vào tính thương mại. Các quyết định đầu tư và tài trợ phải khả thi về mặt tài chính. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chính sách quản lý tạo ra một môi trường thuận lợi.

* Tính cấp thiết của Đông Nam Á

Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, lượng khí thải carbon đã giảm kể từ năm 2007, ngay cả khi GDP vẫn tiếp tục tăng.

Sự tách biệt giữa GDP và lượng khí thải này không quá mạnh mẽ ở các nền kinh tế mới nổi, nhưng vẫn rõ ràng. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc gấp 14 lần so với năm 1990, nhưng lượng khí thải của nước này chỉ gấp 5 lần so với thời điểm đó. Ở châu Phi và Mỹ Latinh, hoạt động kinh tế và lượng khí thải cũng đang đi theo những con đường khác nhau. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, cả GDP và lượng khí thải trong khu vực đều tăng gần như cùng một hệ số.

Năng lượng là nguồn phát thải carbon lớn nhất. Do đó, Đông Nam Á phải nhanh chóng áp dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực trên mặt trận năng lượng tái tạo vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Than vẫn là nguồn năng lượng chính của khu vực.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có nguy cơ để mất 11% GDP vào năm 2100 do rủi ro biến đổi khí hậu. Các khu vực có nguy cơ lũ lụt là nơi sinh sống của 87 triệu người. Năm trong số 20 quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nằm trong khu vực này.

Những lý do thường được nêu ra để tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bao gồm an ninh năng lượng và an ninh việc làm; nhưng những yếu tố này cũng cần được cân bằng với các rủi ro dài hạn hơn của biến đổi khí hậu,  bao gồm lũ lụt, hạn hán và nắng nóng - cũng đe dọa đến an ninh lương thực và an toàn công cộng.

* Tại sao chính sách phải được ưu tiên hàng đầu?

Mặc dù vốn tư nhân có vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng không thể mong đợi vốn tư nhân gánh vác gánh nặng này một mình. Biến đổi khí hậu là vấn đề chung và cần có giải pháp chung.

Trong khi đó, những diễn biến kinh tế xã hội tích cực luôn được thúc đẩy bởi chính sách và quy định. Đây là trường hợp đối với sức khỏe, an toàn tại nơi làm việc, giáo dục và bình đẳng. Các thị trường tách rời thành công giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải đã đạt được điều này thông qua sự kết hợp giữa quy định bắt buộc, các ưu đãi kinh tế, hành động tự nguyện, thuế và các dịch vụ của chính phủ.

Quay trở lại ví dụ về Trung Quốc, chúng ta thấy các yêu cầu bắt buộc đối với các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng và công nghiệp. Quốc gia này cũng đang bổ sung công suất năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh nhất thế giới. Trong nửa đầu năm nay, công suất năng lượng tái tạo đã được bổ sung thêm 133,3 gigawatt (GW) - tăng 25%. Trong khi đó, công suất nhiên liệu hóa thạch được bổ sung là 18,3 GW - giảm 30%.

Trung Quốc cũng trợ cấp cho sản xuất năng lượng tái tạo và mua xe điện, đồng thời đưa ra các chế độ ưu đãi về thuế để khuyến khích phát triển công suất năng lượng tái tạo. Có thuế đối với nhiên liệu hóa thạch, cũng như cả thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện.

Quá trình chuyển đổi năng lượng thành công của Trung Quốc đã trở thành trọng tâm của nhiều nghiên cứu và phân tích, tất cả đều chỉ ra sức mạnh của sự phối hợp hệ sinh thái có thể đạt được thông qua chính sách và quy hoạch.

Có nhiều cách để đo lường tiến trình về biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể xem xét lượng khí thải carbon và cách chúng thay đổi hàng năm. Chúng ta cũng có thể tính toán chi tiêu cho hoạt động giảm thiểu và thích ứng hoặc cho năng lực năng lượng tái tạo, đo mực nước biển, lượng mưa, nhiệt độ và số lượng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Tất cả những điều này đều là những dấu hiệu quan trọng của tiến trình và chúng sẽ tiếp tục có ý nghĩa. Tuy nhiên, đó là những chỉ số chậm trễ đơn thuần cho chúng ta biết mức độ hành động đang tạo ra kết quả như thế nào.

Chỉ số hàng đầu - và có lẽ là dấu hiệu tiến trình quan trọng nhất - là khuôn khổ chính sách mà các chính phủ đưa ra để thúc đẩy hành động giữa cá nhân và tổ chức.

Theo quan điểm này, hầu hết các quốc gia trên thế giới - bao gồm cả Đông Nam Á - đều tụt hậu. Climate Action Tracker, một dự án khoa học độc lập theo dõi các biện pháp của chính phủ, cho thấy một khoảng cách đáng kể giữa các ý định đã nêu và các chính sách hoặc hành động. Nhiều chính sách của các nước đang phát triển và phát triển được đánh giá là “không đủ” và “cực kỳ không đủ” để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Có một nhu cầu cấp thiết là phải thu hẹp khoảng cách giữa ý định và hành động.

Môi trường chính sách phù hợp có thể hỗ trợ đầu tư nhanh hơn vào nền kinh tế thực, đồng thời không hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Khi thế giới hướng tới COP30, nơi các quốc gia dự kiến sẽ công bố các mục tiêu và kế hoạch tham vọng và thống nhất hơn, các chính phủ cần phải đặt nền tảng để đẩy nhanh tiến độ và bắt kịp những gì chúng ta đã bỏ lỡ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục