Giải pháp cho tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy 3 không gian kinh tế

17:14' - 02/02/2021
BNEWS Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm được Thủ tướng nhấn mạnh gồm thúc đẩy 3 không gian kinh tế: kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế và kinh tế số.
Thông báo tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra chiều 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021 diễn ra ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa bế mạc, chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc và dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm cùng với 3 nhiệm vụ trọng tâm khác là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phòng chống dịch COVID-19 và chăm lo Tết cho nhân dân.

Theo đó, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021 được Thủ tướng nhấn mạnh đó là thúc đẩy 3 không gian kinh tế gồm: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.

Thủ tướng yêu cầu các ngành không chủ quan với dịch bệnh, theo dõi sát tình hình có giải pháp ứng phó nhanh, mạnh; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu kép, duy trì đà tăng trưởng GDP 6,5%. Trong đó, Thủ tướng lưu ý nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2.

Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng đầu năm nay, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng tới 22,2% so với tháng 1/2020; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 ước tính đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường trong nước được đẩy mạnh, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 1/2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường chứng khoán sau khi giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã ổn định trên kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin thị trường cao hơn.

Nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế so với tháng đầu năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41%. Thị trường tiền tệ, tín dụng,  ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt, đáp ứng nhu cầu.

“Ngay sau Tết, phải bắt tay vào công việc, không để xảy ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục