Tăng trưởng đặt mục tiêu kép - Bài 1: Sức bật từ nội và ngoại lực

15:19' - 02/02/2021
BNEWS Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ còn nhiều thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, cùng những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu.

Đồng thời, sự thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề và cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, thiên tai cũng là những yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài việc tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng cho những quy tắc và tiêu chuẩn mới.

Do đó, vấn đề quản trị doanh nghiệp, vận hành sản xuất theo cơ chế chính sách mới và linh hoạt ứng phó với biến động thị trường, nhất là chuyển đổi kịp thời với nền kinh tế số là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung để tạo sức bật tăng trưởng trong năm 2021.

Bài 1: Sức bật từ nội và ngoại lực

Đại dịch COVID-19 đòi hỏi Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phải tập trung vào thị trường nội địa và thận trọng trong việc mở cửa thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, xem đây là nội lực của nền kinh tế, đồng thời tùy tình hình thực tế thì ở chừng mực nào đó dư địa chính sách có thể được mở rộng.

Kịch bản phục hồi lạc quan

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đại dịch COVID-19 diễn ra khiến trật tự xã hội thay đổi, nên cộng đồng doanh nghiệp thế giới và ngay cả Chính phủ các nước cũng phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới.

Đại dịch COVID-19 khiến tự do kinh tế bị đe dọa, gồm: chuỗi giá trị toàn cầu, giao thương toàn cầu hóa, dòng chảy của vốn ngoại...

Những thay đổi kể trên dẫn đến hệ lụy chuỗi giá trị cung ứng bị thay đổi, từ đó ảnh hưởng tới kinh tế, thương mại và đầu tư; làm suy giảm tiêu dung của người dân và ngành dịch vụ; một số quốc gia khẩn trương có vaccine nhưng ảnh hưởng tâm tư nhà đầu tư nước ngoài; tác động đến quan hệ hợp tác giữa các Chính phủ...

Tuy nhiên, dự báo vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn được đánh giá là yếu tố hàng đầu gây ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.

Đối với nội dung điều chỉnh quy mô GDP, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Tổng cục Thống kê làm theo đúng thông lệ quốc tế, không riêng chỉ Việt Nam, Mỹ, EU và các nước trong khu vực đều điều chỉnh GDP. Điều chỉnh quy mô GDP không phải thay đổi phương pháp đánh giá, tính toán lại, mà là thu thập đầy đủ thông tin.

So với các nước khác, tỷ lệ tăng quy mô GDP sau điều chỉnh của Việt Nam là không cao (bỏ qua doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp báo cáo lãi không đầy đủ…). Những điểm sáng của năm 2021 để Việt Nam có thể có kịch bản kinh tế lạc quan là chính sách điều hành ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế.

Trong thời gian qua, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng nhưng không hy sinh ổn định vĩ mô và đây cũng là kỳ vọng của năm 2021. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất giúp những năm qua và năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là nỗ lực bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp.

 

Liên quan đến yêu cầu tạo động lực cho doanh nghiệp phát nguồn lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất và duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong năm 2021. Điều này, sẽ tạo động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau.

Riêng dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo sẽ được thúc đẩy mạnh trong năm 2021 với những tín hiệu cho thấy khi Việt Nam hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô. Năm 2021 cũng là năm đầu của nhiệm kỳ mới, nên vừa là năm phục hồi, vừa vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là tiếp tục những dự án của năm 2020.

Thống kê từ Google cho thấy, lượng người di chuyển đến trung tâm mua sắm đã giảm do số lượng người mất việc làm tăng và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, chuyển đổi số đã tạo động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới và phục hồi sức mua trong nước.

Một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 có thể kể đến nữa là xuất khẩu, vì Việt Nam vốn là nền kinh tế mở, có thị trường xuất khẩu đa dạng. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang sang EU và ASEAN sẽ tăng mạnh trong năm 2021; còn xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ góp phần bù đắp suy giảm ở những thị trường khác (nếu có).

Xây dựng kinh tế số

Năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đây cũng là năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2025, hướng đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm. Bên cạnh đó, năm 2025 có GDP/người giá thực tế đạt 4.700 - 5.000 USD (năm 2020 là 3.521 USD) và đến năm 2030 có GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD.

Theo ông Trần Hồng Quang, quan điểm phát triển nhanh và bền vững phải dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ, chủ động hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Mặc dù, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng đây cũng là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp trở mình trước thách thức. Theo đó, kinh tế số và thương mại điện tử Việt Nam trong 2021 không chỉ là lĩnh vực được đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng, mà còn được xem là công cụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển, thích ứng với xu hướng thị trường tiêu dùng hiện nay và trong tương lai.

 

Chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế số, ông Lê Anh Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sen Đỏ (Sendo.vn) đánh giá dư địa phát triển thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng. Riêng đối với Sendo.vn vừa triển khai kinh tế số, vừa làm thị trường bán lẻ. Về hệ sinh thái và chính sách phát triển thì logistics là điểm quan trọng nhất của kinh tế số và trở ngại cần vượt qua của thương mại điện tử. Nếu giải quyết được vấn đề này thì thương mại điện tử sẽ đạt tăng trưởng mạnh hơn.

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rấ lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và những tác động bởi đại dịch COVID-19. Cuộc sống con người, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thay đổi nhanh chóng theo hướng số hóa.

Bên cạnh đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia, nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là đối với những nước đang phát triển và trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một chủ trương lớ của Chính phủ Việt Nam để phát triển đội ngũ doanh nghiệp bền vững và không bị tụt hậu.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, kinh tế số là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả sản xuất, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chủ động đề xuất và phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xây dựng, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Chương trình này tập trung vào những mục tiêu như chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp số hóa hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị... Đồng thời, triển khai đánh giá và trao đổi với doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia, nhằm kết nối doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số với giải pháp phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục