Giải pháp chống nghẽn lệnh chứng khoán: Cần sự đồng lòng, thuận giải pháp!

07:15' - 15/03/2021
BNEWS Để thực hiện được các giải pháp chống nghẽn lệnh là không hề dễ dàng và cần sự “chung tay” của tất cả thành viên thị trường hỗ trợ cơ quan quản lý thực thi.

Nghẽn lệnh đã trở thành câu chuyện không mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ quan quản lý đã thực hiện nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu nhưng tình trạng nghẽn lệnh vẫn chưa được cải thiện. Mới đây, trong lúc chờ hệ thống mới được đưa vào vận hành, giải pháp chuyển bớt giao dịch từ Sàn Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh sang Sàn Giao dịch Hà Nội (HNX) nhằm giảm tải hệ thống được kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là không hề dễ dàng và cần sự “chung tay” của tất cả thành viên thị trường hỗ trợ cơ quan quản lý thực thi.

Theo bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu đang niêm yết từ HOSE sang niêm yết ở HNX.

Doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX cần có văn bản yêu cầu, kèm theo nghị quyết của hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE. 

HNX sẽ tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Để đảm bảo tính liên tục trong giám sát, các sở phối hợp trong giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này. 

Khi chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX, cổ phiếu này sẽ tạm thời được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HOSE trong thời gian chuyển sang giao dịch tại HNX. Do vậy, việc tăng giảm giá của các cổ phiếu chuyển sàn sẽ không được phản ánh và tác động đến các bộ chỉ số của HOSE, nhất là chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, việc tăng giảm của cổ phiếu chuyển sàn sẽ được phản ánh trong bộ chỉ số của HNX-Index. Bộ chỉ số VNXAllshare (chỉ số vốn hóa gồm tất cả cổ phiếu niêm yết trên HOSE đáp ứng tiêu chí sàng lọc về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và thanh khoản) bị ảnh hưởng.

“Như vậy, có thể nói ảnh hưởng từ việc chuyển sàn (nếu có) đến các bộ chỉ số VN-Index là không đột biến và ít ảnh hưởng đến bản chất các chỉ số”, bà Bình nói.

Bà Bình cho biết, cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HOSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HOSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX và tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30. Cơ chế này được áp dụng từ ngày 3/3/2021 và sẽ chấm dứt khi đã chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HOSE.

Các chuyên gia dù đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả của giải pháp này nhưng vẫn còn nhiều lo ngoại và cho rằng, việc chuyển sàn dựa trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp có tính khả thi không cao, hơn nữa lại mất nhiều thời gian.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), cái khó của biện pháp này là sự tự nguyện của các doanh nghiệp niêm yết trong việc xung phong chuyển sàn tạm thời. Bởi nhược điểm của việc dịch chuyển là sẽ ảnh hưởng phần nào tới doanh nghiệp niêm yết tại HOSE lại phải làm các thủ tục để chuyển tạm thời sang HNX.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải có những băn khoăn và cho rằng, việc chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX là một việc khó, mất nhiều thời gian và tính khả thi không cao.

Theo ông, doanh nghiệp muốn chuyển sàn thì phải hỏi ý kiến cổ đông mà có thể cổ đông sẽ không đồng ý vì lo ngại một số rủi ro về giá cổ phiếu và thanh khoản có thể giảm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải. Ảnh: BNEWS phát

Thực tế, để thực hiện chuyển sàn doanh nghiệp phải xin ý kiến của cổ đông. Hội đồng quản trị doanh nghiệp phải phân tích những rủi ro của việc chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX và những cơ chế chính sách phù hợp để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Việc chuyển giao dịch sang HNX không xuất phát từ góc độ tự nhiên của doanh nghiệp mà nó xuất phát từ việc muốn cùng tham gia với chính sách giảm tải cho HOSE.

Chuyển giao dịch sang HNX là thể hiện tinh thần trong việc chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ vướng mắc của thị trường tại thời điểm hiện tại. Nếu chỉ một mình cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thì sẽ không có tác dụng.

Việc chuyển giao dịch của cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX thì xác suất cao là thị trường sẽ giao dịch bình thường, thông suốt. Điều này chắc chắn đảm bảo lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư. Thế nhưng rõ ràng là ngoài vấn đề này ra thì hiện nay ở sàn HNX và sàn HOSE có những khác biệt cần cân nhắc.

Theo đó, do quy hoạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, các tiêu chuẩn niêm yết đối các doanh nghiệp ở sàn HOSE cao hơn ở sàn HNX. Các cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE nhìn chung là có thanh khoản tốt hơn.

Các tiêu chí và chuẩn mực giao dịch giữa HOSE và HNX cũng khác nhau. Ví dụ như ở HOSE hiện nay có 3 phiên giao dịch là phiên mở cửa, phiên chính và phiên đóng cửa. Trong khi ở HNX chỉ có 2 phiên, không có phiên mở cửa.

Biên độ dao động giá cổ phiếu trên HNX lớn hơn HOSE. Theo đó, biên độ dao động giá bên HOSE chỉ có 7%, trong khi bên HNX là 10%.

Trên HOSE, các cổ phiếu nằm trong chỉ số VN - Indnex, có những cổ phiếu nằm trong VN100, hay VN50, VN30 hay là có chỉ số nằm trong các bộ chỉ số. Những bộ chỉ số này đáp ứng yêu cầu đầu tư trong danh mục các quỹ đầu tư tổ chức. 

Nếu doanh nghiệp chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX có thể các mã cổ phiếu trong các bộ chỉ số này sẽ ra khỏi nhóm, điều này đặt ra về mặt quy định đầu tư của quỹ sẽ phải bỏ qua cổ phiếu này.

Giải pháp chuyển bớt giao dịch sang HOSE không tốn tiền mà chỉ cần có cơ chế phù hợp. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước tạo thuận lợi cho việc xử lý việc chuyển theo phương thức chỉ mượn hệ thống giao dịch, còn các chỉ số vẫn tính như cũ sẽ khuyến khích được doanh nghiệp chuyển giao dịch sang HNX.

Ở đây cơ chế không phải là chuyển niêm yết mà chỉ là chuyển giao dịch và việc chuyển này vẫn đảm bảo tính được các bộ chỉ số và cổ phiếu của các doanh nghiệp không bị loại ra khỏi bộ chỉ số trên HOSE.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, để xử lý được vấn đề khó là tắc nghẽn lệnh của HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung thì rất cần sự đồng lòng của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết. Cùng với đó là sự thông cảm của nhà đầu tư trong điều kiện hiện tại để sớm xử lý xong tình trạng tắc nghẽn như hiện nay, giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. Ảnh: BNEWS phát

Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực khẩn trương chỉ đạo khắc phục tình trạng nghẽn lệnh của hệ thống giao dịch tại HOSE.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất mong các doanh nghiệp và công chúng đầu tư thông hiểu và cùng chung tay hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc thực thi các giải pháp và chính sách để hướng tới mục tiêu chung là xây dựng và vận hành thị trường chứng khoán ổn định, thông suốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục