Giải pháp đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

13:30' - 11/04/2025
BNEWS Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua đã có những đóng góp nhất định vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Chiều 8/4, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học về “Giải pháp trọng tâm triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại tỉnh Tây Ninh”.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nguyễn Tấn Đức cho biết, Tây Ninh có xuất phát điểm và tốc độ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chậm so với các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ. Đổi mới sáng tạo còn trong giai đoạn khởi đầu và môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa phát triển, chưa có trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ để thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng thực tiễn; chỉ số đổi mới sáng tạo – PII năm 2024 của Tây Ninh xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tại Tây Ninh, nông nghiệp số (AgTech) đang có tiềm năng rất cao, bởi tỉnh có nền nông nghiệp mạnh với diện tích lớn trồng mía, sắn, rau màu, cao su, chăn nuôi…

 

Quy mô nông hộ và hợp tác xã lớn, có thể áp dụng IoT, Blockchain để quản lý canh tác, truy xuất nguồn gốc, hệ thống tưới tiêu thông minh; hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (QR code, Blockchain); sàn giao dịch nông sản trực tuyến, công nghiệp chế biến, sản xuất thông minh, chuyển đổi số quy trình logistics, kho vận, bán hàng.

Ngoài ra, Tây Ninh sở hữu các điểm du lịch: Núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng… có lượng khách nội địa và quốc tế đang tăng và tiềm năng ứng dụng bản đồ du lịch số, vé điện tử, AR/VR giới thiệu di tích; quản lý dữ liệu du khách, phản hồi dịch vụ; kết nối booking, thanh toán, đánh giá thông minh. Tỉnh cần đẩy nhanh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, chính quyền số (GovTech) trong quản lý đất đai, giáo dục, y tế… nhằm tiến đến số hóa hồ sơ của công dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, kinh doanh và quản lý. Khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu ổn định, không gian xanh chiếm diện tích lớn nên tỉnh luôn chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, dựa trên thế mạnh kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ số trong vấn đề quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh, năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tây Ninh tăng 8,45% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.263 USD/năm. So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua đã có những đóng góp nhất định vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ngày càng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp phục vụ thiết thực trong công tác quản lý của các cấp, các ngành; hoạt động sản xuất và đời sống của người dân tại địa phương.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Tây Ninh bước đầu được hình thành và ngày càng nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tăng cường các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa trong hệ thống chính trị tỉnh cũng như trong toàn xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Thanh mong muốn, sau hội thảo, các ngành, các cấp nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, thảo luận và những kinh nghiệm chia sẻ từ các chuyên gia để có những góc nhìn mới, nhận thức rõ và sâu sắc hơn những vấn đề trọng tâm cần tập trung tổ chức triển khai để sớm đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn cuộc sống,

Tây Ninh sẽ cùng với cả nước đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành đột phá quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Qua đó, chung sức đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh phát triển tăng tốc và bứt phá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục