Giải pháp giúp ngành ngân hàng biến “nguy” thành “cơ”

17:08' - 14/10/2020
BNEWS Ngân hàng dù không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19, song cũng đã và đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Đại dịch COVID-19 bất ngờ xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động toàn diện lên mọi mặt kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam. Với ngành ngân hàng, dù không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, song cũng đã và đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Hơn 9 tháng qua, ngành ngân hàng đã hết sức nỗ lực, một mặt ứng phó, duy trì hoạt động trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19; mặt khác, chung lưng, đấu cật, triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân cùng vượt qua khó khăn.

3 yếu tố đáng lưu tâm

Dự báo đến hết năm 2020 và 2021, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, thích ứng nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh và củng cố, gia tăng khả năng chống chịu của thị trường tiền tệ - ngân hàng với các cú sốc bên ngoài.

Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro cao và cho vay ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng và thời gian hỗ trợ cũng sắp được ban hành.

Theo đó, dự báo một số chỉ tiêu của ngành ngân hàng hết năm 2020-2021 như sau:

Như vậy, có thể thấy 3 vấn đề đáng lưu tâm hiện nay và thời gian tới đối với hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu là: vấn đề rủi ro nợ xấu gia tăng (lợi nhuận giảm hoặc khó tăng nhanh trở lại); khả năng tăng năng lực tài chính (nhất là vốn chủ sở hữu) của các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước thâm hụt nhiều hơn do phải tăng chi phòng chống dịch và giảm thu do tác động tiêu cực của dịch bệnh và huy động qua kênh phát hành cổ phiếu – trái phiếu dài hạn, bán chiến lược cho nước ngoài gặp nhiều thách thức khi thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhà đầu tư thận trọng hơn…; và thách thức từ quá trình chuyển đổi số, một mặt vừa phải thay đổi tư duy, văn hóa kinh doanh, quản trị nội bộ, đầu tư lớn, chuẩn bị nhân sự số; một mặt còn phải tùy thuộc vào tiến độ, chất lượng ban hành hành lang pháp lý cho nền kinh tế số nói chung và tài chính – ngân hàng số nói riêng.

6 giải pháp kiến nghị

Đến hết năm 2020 và cả năm 2021 là thời điểm Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt khoảng 2,5% và 2021 đạt khoảng 6,5-7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Theo đó, 6 giải pháp chính trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng là:

Một là, đẩy nhanh tiến độ ban hành và thực hiện Thông tư 01 sửa đổi theo hướng mở rộng và gia hạn thời gian hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, rất cần sự phối hợp và vào cuộc đồng bộ của các chính sách hỗ trợ khác, nhất là gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội (hiện tại và gói bổ sung, nếu có). Đồng thời, NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn và nghiên cứu cho phép giảm phí bảo hiểm tiền gửi, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Hai là, chính sách tiền tệ cần tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, nhưng cần thích ứng trong bối cảnh mới; chính sách tài khóa tiếp tục chặt chẽ, nhưng rõ ràng là cần đồng hành, thích ứng nhiều hơn nữa, nhằm hỗ trợ khôi phục nền kinh tế nhanh và bền vững hơn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ba là, xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025, với trọng tâm chính là: đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu trong bối cảnh mới, tiếp tục lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó lưu tâm đến các nội dung quản trị doanh nghiệp trong các tổ chức tín dụng, áp dụng chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực tài chính (nhất là vốn chủ sở hữu) của các tổ chức tín dụng và đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tài chính phi ngân hàng (như quỹ tín dụng, công ty tài chính, cho thuê tài chính và các tổ chức tài chính vi mô khác…).

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược tài chính toàn diện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động theo xu thế mới như tài chính số - ngân hàng số, Fintech, cho vay ngang hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ mobile money, xác thực khách hàng điện tử - eKYC… Điều này cũng là góp phần quan trọng thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020.

Năm là, hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ, cân bằng hệ thống tài chính, nâng cao khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài: Hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số phát triển nhanh, tách biệt thực chất và hiệu quả chức năng sở hữu và quản lý, chức năng tín dụng chính sách và tín dụng thương mại; Tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối (phấn đấu đạt mức tương đương 5 tháng nhập khẩu cuối năm 2021); Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng lành mạnh, an toàn, góp phần giảm lệ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán phái sinh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kênh đầu tư và công cụ quản lý rủi ro; Chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ; xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính; Chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu tài chính – tiền tệ quốc gia theo hướng công khai, minh bạch, cập nhật và kết nối hơn; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế và kiểm soát rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu…

Cuối cùng, bản thân các tổ chức tín dụng cũng cần: xây dựng cơ chế hoạt động thích ứng trang thái “bình thường mới”; tái cơ cấu hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, vượt qua thách thức hiện nay; đổi mới tư duy, sáng tạo, thiết kế sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng sau dịch bệnh và chú trọng phát triển ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng xu thế mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục