Nhiều ngân hàng niêm yết, chuyển sàn: Có tạo nên sóng mới?

17:24' - 08/10/2020
BNEWS Theo đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HOSE quản lý, sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 có quy định đến cuối năm 2020 toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Để đón đầu và thực hiện các quy định này, hàng loạt ngân hàng thông báo sẽ niêm yết hoặc chuyển sang sàn HOSE ngay trong năm nay.

Dồn dập kế hoạch niêm yết, chuyển sàn

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), ngày 9/10, hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của ngân hàng này sẽ chính thức được đưa vào giao dịch lần đầu trên sàn UpCom, với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 3.890 tỷ đồng, tương ứng với vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng này.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Nam A Bank đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu NAB trong năm nay. Tuy nhiên, theo kế hoạch này, cổ phiếu NAB sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) chứ không phải trên sàn UpCom.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết, mục đích của sự thay đổi này là để ngân hàng có thời gian cọ xát với thị trường trước khi niêm yết trên sàn chính thức. Đây cũng là mong muốn của cổ đông hiện nay.

Bên cạnh đó, việc đăng ký giao dịch trên sàn UpCom sẽ giúp Nam A Bank tăng tính minh bạch và tuân thủ quy định tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng phê duyệt. Điều này sẽ giúp cổ phiếu NAB tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Không chỉ Nam A Bank, một số ngân hàng khác cũng lên kế hoạch niêm yết trong năm 2020 sau một thời gian trì hoãn do đại dịch COVID-19. Mới đây, ngày 7/10, HOSE thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Theo đó, MSB đăng ký niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ là 11.750 tỷ đồng.

Đại diện MSB nhận định, việc thực hiện niêm yết sẽ giúp ngân hàng gia tăng giá trị vốn hóa thị trường, nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu MSB trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Cuối tháng 9/2020, MSB cũng đã hoàn tất việc xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Đây được xem là lợi thế để MSB duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn, gia tăng lợi thế vốn cũng như đảm bảo việc nâng cao chất lượng tài sản trong bối cảnh kinh tế biến động và dịch bệnh diễn biến khó lường.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng thông báo chấp thuận niêm yết 308 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) trên sàn UpCom.

Ngoài một số ngân hàng lần đầu gia nhập thị trường chứng khoán, thị trường còn chứng kiến làn sóng cổ phiếu ngân hàng chuyển sang sàn HOSE. Trong số đó phải kể đến Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với mã chứng khoán LPB đã nộp hồ sơ lên HOSE.

Dự kiến đây sẽ là ngân hàng được chấp thuận niêm yết đầu tiên trên sàn HOSE trong năm 2020, mở hàng cho các “đồng đội” tiếp theo như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)…

Đại diện LienVietPostBank cho biết, do chuẩn bị kỹ càng và nộp hồ sơ sớm nên hiện nay hồ sơ của Ngân hàng đã được HOSE chấp thuận nguyên tắc, tiến độ niêm yết cổ phiếu LPB sẽ sớm hơn so với các ngân hàng khác từ 1-2 tháng.

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản cũng đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom, để niêm yết cổ phiếu của VIB trên sàn HOSE.

HOSE cũng đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết trên 1,75 tỷ cổ phiếu, tương đương với hơn 17.558 tỷ đồng vốn điều lệ…

Cổ phiếu đã gần về giá trị hợp lý

Trên thị trường chứng khoán, lâu nay cổ phiếu ngân hàng luôn là một trong những nhóm cổ phiếu được giới đầu tư săn đón nhiều nhất. Do vậy, việc nhiều ngân hàng lên kế hoạch niêm yết, chuyển sàn trong năm nay được kỳ vọng sẽ tạo nên làn gió mới cho nhóm cổ phiếu này cũng như trên thị trường chứng khoán.

Nhìn vào diễn biến thị trường trong thời gian gần đây cho thấy, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 7/2020 khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “rùng mình”, nhưng giá cổ phiếu của các ngân hàng vẫn ổn định so với tháng 3/2020 nhờ vào việc kiểm soát tốt đại dịch.

Gía cổ phiếu của các ngân hàng vẫn ổn định so với tháng 3/2020 nhờ vào việc kiểm soát tốt đại dịch.

Trong một báo cáo về ngành ngân hàng công bố cuối tháng 9/2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect phân tích, giá cổ phiếu của các ngân hàng đã phục hồi khoảng 32-85% kể từ mức thấp nhất vào cuối quý I/2020, đánh bại mức phục hồi của VN-Index là 36% và dần quay lại mức cuối năm 2019. 

Tuy vậy, cũng chính việc giá cổ phiếu nhóm ngân hàng liên tục tăng cao trong thời gian qua mà các nhận định đều cho rằng, giá cổ phiếu của các ngân hàng hiện đã gần về giá trị hợp lý.

Nói một cách khác, dù sắp tới có nhiều ngân hàng “đổ bộ” sang sàn HOSE hay một số ngân hàng chính thức tham gia vào thị trường chứng khoán thì cũng khó có đợt sóng mới từ nhóm cổ phiếu này.

Đơn cử như cổ phiếu VIB, kể từ khi thị trường lập đáy cuối tháng 3/2020 đến nay, giá cổ phiếu đã tăng mạnh gấp 2,5 lần, từ 13.000 đồng lên 33.000 đồng (chốt phiên ngày 7/10).

Việc tăng mạnh gần đây được nhận định phần nhiều do kỳ vọng về chuyển sàn niêm yết, mở room khối ngoại và triển vọng tăng vốn của VIB. Do vậy, các chuyên gia phân tích đánh giá cần thận trọng hơn đối với cổ phiếu VIB bởi tiềm năng tăng giá là hạn chế, trong khi rủi ro giảm giá đã lớn hơn.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, mặc dù vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro, song diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian tới vẫn khá thuận lợi cho các ngân hàng niêm yết hoặc chuyển sàn. Tuy nhiên, có tạo sóng hay không lại là chuyện khác.

Ông Phương cho rằng, mức độ hiểu biết của nhà đầu tư hiện nay là khá cao. Họ chỉ quan tâm, đầu tư đối với những cổ phiếu có mức giá thấp, chưa vượt quá giá trị sổ sách và sẽ cân nhắc mua đối với những cổ phiếu có tiềm năng đầu tư.

Thậm chí, nhiều trường hợp cổ đông hiện hữu nắm giữ cổ phiếu trên sàn OTC sẽ bán ra khi cổ phiếu có giá vào ngay trước thời điểm niêm yết.

Thêm vào đó, việc tạo sóng còn phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước cùng các chính sách vi mô, những thông tin tích cực khác.

Do vậy, việc các ngân hàng niêm yết hoặc chuyển sàn trong thời gian tới chưa chắc sẽ tạo ra “sóng” tăng giá cho toàn bộ cổ phiếu ngân hàng. Dĩ nhiên, nếu triển vọng kinh tế vĩ mô tốt hơn kỳ vọng, giá cổ phiếu ngân hàng tất yếu sẽ được điều chỉnh lên một mặt bằng mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục