Giải pháp hỗ trợ người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc

11:59' - 16/12/2016
BNEWS Ngày 16/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo tham vấn “Hoạt động hỗ trợ cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc”.
Giải pháp hỗ trợ người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Ảnh minh họa: TTXVN

Di cư lao động hiện nay đang trở thành xu thế toàn cầu, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Di cư lao động đang mang lại nhiều lợi ích, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bản thân người lao động và phát triển kinh tế - xã hội đối với cả quốc gia tiếp nhận và quốc gia gửi lao động.

Từ năm 2007 đến nay, hàng năm, Việt Nam gửi 80.000 - 90.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có cả những lao động đi thực tập ở nước ngoài. Hàng năm, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gửi về nước trên 2 tỷ USD.

Điều đó cho thấy lao động Việt Nam tại nước ngoài đang có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chính bản thân, gia đình người lao động.

Tuy nhiên, di cư lao động hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: người lao động không tuân thủ hợp đồng lao động đã ký; vi phạm luật pháp của nước tiếp nhận lao động; bị xa thải trái pháp luật; môi trường lao động không đảm bảo an toàn, độc hại.

Lao động về nước không có việc làm phù hợp với trình độ được đào tạo và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc ở nước ngoài, gây thiệt hại cho chính người lao động và xã hội… Trước thực tế này, được sự hỗ trợ của Quỹ châu Á tại Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai “Dự án nghiên cứu nhằm tăng cường bảo vệ quyền cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc”.

Hội thảo này nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án để chia sẻ kết quả ban đầu của các nghiên cứu, khảo sát, đồng thời tham vấn các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tiếp cận thông tin đối với người lao động chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ người lao động kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài về nước tái hòa nhập cộng đồng, giúp di cư lao động an toàn…

Đánh giá cao chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề xuất khẩu lao động, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam Michael DiGreogorio cho rằng từ đầu những năm 1980, do phát triển mạnh của nền kinh tế thị trường cùng với sự hội nhập nhanh chóng với các nền kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam đã xác định xuất khẩu lao động là chiến lược quan trọng và lâu dài cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xuất khẩu lao động sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia và triển khai thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước và khu vực. Xuất khẩu lao động là phương thức hữu hiệu giúp người lao động thoát nghèo, đóng góp cho GDP của đất nước qua số tiền gửi về nước.

Tuy nhiên, người lao động Việt Nam ở nước ngoài đang đối mặt với nhiều rủi ro, bị bóc lột, thậm chí là nạn nhân của nạn buôn bán người do hiểu biết hạn chế, thiếu thông tin về cơ hội việc làm phù hợp với trình độ khi về nước…

Các đại biểu tập trung thảo luận về “Hoạt động của công đoàn địa phương trong việc tư vấn, giám sát giúp đỡ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tái hòa nhập cộng đồng khi trở về”; chia nhóm thảo luận về 2 vấn đề: Giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và tiếp cận thông tin về di cư an toàn cho người lao động có nhu cầu/chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài; Giải pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, bao gồm tăng cường tiếp cận với các cơ hội việc làm cho những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về.

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất ý kiến cho rằng: trong những năm qua, Liên đoàn Lao động của các địa phương và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kết quả này đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp cho nhiều lao động ở địa phương có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức và cần sự chỉ đạo tích cực hơn nữa của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

>>> Lệ phí cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục