Giải pháp hữu hiệu chống khai thác hải sản bất hợp pháp

22:23' - 25/07/2023
BNEWS Khai thác hải sản xa bờ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Nam, nên việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ quan trọng của địa phương.

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho 32 lao động trên tàu trong chuyến đi biển thứ 3 trong năm nay, ông Lương Văn Cam, ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) là chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu câu mực mang số hiệu QNa 90668 TS cho biết, chuyến biển thứ 2 trong năm 2023, tàu của ông khai thác được 40 tấn mực khô.

 

Với giá hiện tại được thu mua là 176.000 đồng/kg, tàu câu mực của ông Lương Văn Tới đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng. Trừ tất cả các khoản chi phí, 32 lao động trên tàu, mỗi người có thu nhập trên 45 triệu đồng, riêng chủ tàu có thu nhập trên 3 tỷ đồng.

Thuyền trưởng Lương Văn Cam cho biết, ngày 27/7 tới, chuyến biển thứ 3 của tàu QNa 90668 TS bắt đầu. Tại thời điểm này, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ vật tư nhiên liệu, hoàn thành việc kiểm tra máy tàu hoạt động ổn định, kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt 24/24 giờ hàng ngày.

Cùng đó, kiểm tra ngư lưới cụ, thuyền trưởng cũng đã đến Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà để đăng ký cho phương tiện và danh sách 32 lao động trên tàu, trình báo ngư trường và ngành nghề khai thác theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng.

Theo thuyền trưởng Lương Văn Cam, trên vùng ngư trường rộng lớn, phương tiện có thể gặp sự cố bất ngờ như chết máy khi đang hoạt động. Có khi đang khai thác, thời tiết diễn biến bất thường, khả năng có bão.

Trong những tình huống như vậy, phương tiện được lắp đặt đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc mới nhận được sự hỗ trợ từ các tàu khác hoặc từ đất liền để nhận được sự trợ giúp sửa chữa hoặc được hướng dẫn để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Mặt khác, việc lắp đặt thiết bị hành trình còn giúp cho ngư dân dễ dàng nhận biết đâu là vùng biển được phép khai thác, đâu là vùng ngư trường của nước ngoài để không vi phạm.

Khai thác hải sản xa bờ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Nam, do vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định, kiên quyết gỡ bỏ thẻ vàng (IUU) của Ủy ban châu Âu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cơ quan chức năng và ngư dân Quảng Nam.

Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản Quảng Nam Võ Văn Long cho biết, hiện tại, 100% tàu cá của ngư dân Quảng Nam đã thực hiện sơn màu carbin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định tại thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT; 100% tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên do Chi cục Thủy sản quản lý đã được đăng ký; 98,5% tàu có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình.

Số còn lại đang được nâng cấp, cải hoán nhằm nâng cao công suất, đã được các chủ tàu cam kết lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi hạ thủy.

Là một trong hai xã đảo của tỉnh Quảng Nam, kinh tế biển là chủ lực, Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, ngư dân xã đảo Tam Hải đã khai thác đạt trên 300 tấn hải sản các loại.

Nhiều năm qua, xã đảo Tam Hải được các cơ quan chức năng như Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư, Chi cục thủy sản Quảng Nam để tuyên truyền cho ngư dân việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, nhất là vận động ngư dân lắp đặt đầy đủ thiết bị thông tin liên lại, thiết bị giám sát hành trình.

Nhờ vậy, chủ phương tiện và ngư dân đều nắm bắt và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản trên biển, 100% tàu thuyền của ngư dân Tam Hải đã gắn thiết bị giám sát hành trình đúng tiêu chuẩn.

Trung tá Nguyễn Hoang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại cho biết, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, việc tuyên truyền, quản lý, giám sát, đồng hành cùng ngư dân là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ đội biên phòng Quảng Nam.

Tại Đồn biên phòng Cửa Đại, nơi có số lượng lớn tàu thuyền ra vào cửa, việc quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá ngay khi xuất bến, nhập bến và thời gian làm ăn trên biển.

Với việc yêu cầu ngư dân lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình mới được phép xuất bến đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần tích cực trong nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Trong gần 7 tháng qua, đã có hơn 2.200 lượt tàu thuyền ra vào Cửa Đại để làm ăn trên biển, song chưa có phương tiện nào vi phạm các quy định của cơ quan chức năng, nhất là các quy định về thiết bị giám sát hành trình./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục