Giải pháp mạnh để giải ngân vốn đầu tư công về đích

08:35' - 25/07/2024
BNEWS Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp trong nửa đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp mạnh để "về đích" trong những tháng còn lại của năm 2024.

Nhận diện nút thắt để tháo gỡ

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, tính đến ngày 15/7/2024, tỉnh Bắc Ninh giải ngân được 1.716 tỷ đồng (bao gồm cả vốn kéo dài), đạt tỷ lệ 29,2% so với số 3 cấp UBND tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết; đạt 18,8% so với số vốn Chính phủ giao; đạt 18,5% so với số Hội đồng nhân dân tỉnh giao; đạt 20,8% so với số UBND tỉnh giao phân bổ chi tiết và giao UBND cấp huyện. Tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh vẫn ở mức rất thấp so với mức trung bình cả nước, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng lý giải, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt thấp do vướng mắc trong quy hoạch phân khu, giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất đai, thiếu vật liệu xây dựng. Tỉnh Bắc Ninh được giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 là 8.558 tỷ đồng; trong đó, có hơn 1.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, hơn 3.600 tỷ đồng đấu giá sử dụng đất. Đến nay, Bắc Ninh chưa phân bổ được cả 2 nguồn trên.

 

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, đối với cấp tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 15/7 đạt 10,5%; trong đó, một số chủ đầu tư có số vốn được giao lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp. Nhiều dự án giải ngân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang thấp dưới 30%; trong đó, có những dự án được giao vốn đầu năm nhưng đến nay chưa giải ngân.

Ở cấp huyện, tiến độ giải ngân cũng rất chậm, mới đạt 23,6%; trong đó, thấp nhất là thị xã Thuận Thành, mới giải ngân được 122/1.328 tỷ đồng, đạt 9,1%; huyện Tiên Du giải ngân được 46/268 tỷ đồng, đạt 17,2%.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đánh giá, từ tiến độ giải ngân thấp ở cấp huyện có thể thấy việc triển khai các dự án đấu giá đất ở các địa phương diễn ra rất chậm dẫn đến việc tạo nguồn thu sử dụng đất để phân bổ, giải ngân là rất thấp. Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc lớn khi triển khai các dự án là câu chuyện giải phóng mặt bằng. Đó luôn là trở lực lớn trong tiến trình giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bắc Ninh, mặc dù tiến độ các dự án đang được triển khai tích cực, nhưng vẫn còn một số dự án gặp khó khăn trong quá trình giải ngân vốn, lý do chủ yếu là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng mở rộng trường Trung học Phổ thông Ngô Gia Tự và dự án đầu tư xây dựng mở rộng trường Trung học Phổ thông Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình cũng gặp khó khăn trong việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Quá trình thực hiện đang gặp khó khăn do một số hộ gia đình có đơn thư khiếu nại về diện tích chênh lệch giữa sổ sách và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, giải quyết đơn thư và dự kiến hoàn thành bồi thường trong quý III/2024.

Cần giải pháp mạnh

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bắc Ninh đã thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng tiến độ cụ thể để rà soát, kiểm đếm và quy trách nhiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đôn đốc, có cơ chế thưởng, phạt đối với các đơn vị, cơ quan, cá nhân.

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 90% trở lên, trước mắt, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, thi công, thanh toán, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ năm 2024, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các công trình, dự án trọng điểm: Dự án đường vành đai 4, cầu Kênh Vàng, các dự án thuộc thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ hỗ trợ vốn...

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các chủ đầu tư, các đơn vị đến ngày 31/8 phải nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thêm ít nhất 15%. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng tại các dự án; tổ chức phát động 100 ngày cao điểm giải quyết khó khăn trong thi công, tiến độ thực hiện các công trình, đặc biệt các công trình giao thông trọng điểm.

Phó chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư tổng hợp kết quả giải ngân hàng tuần để báo cáo tại Hội nghị giao ban UBND tỉnh; tham mưu cơ chế khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt trong đợt phát động; tham mưu thí điểm thực hiện phân cấp công trình đầu tư cho các địa phương.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh kiến nghị, trường hợp dự án giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, đề nghị UBND tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn trước ngày 15/11/2024 theo quy định của Luật đầu tư công cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, các sở, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; các chủ đầu tư nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và quyết toán dự án đã hoàn thành; xử lý dứt điểm các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành hoặc không có khả năng triển khai tiếp để quyết toán dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, liên kết vùng. Đặc biệt, đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết 31/12/2024, không giải ngân hết số vốn đã được phép kéo dài sang năm 2024, số vốn trên sẽ bị thu hồi, hủy dự toán và không còn hạn mức vốn để bố trí trong năm 2025; chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm giải trình với cấp có thẩm quyền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục