Giải pháp nào "cởi trói" cho doanh nghiệp nhà nước?

15:06' - 31/03/2021
BNEWS Mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, tư duy coi doanh nghiệp nhà nước như doanh nghiệp tư nhân đồng thời hỗ trợ tốt doanh nghiệp trong dự báo, định hướng

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với số vốn lớn nhưng lại chưa thể phát huy hết được năng lực trong phát triển kinh tế. Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế" do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức để tìm hướng gỡ khó.

Theo báo cáo từ Viện Kinh tế Việt Nam, tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 650 doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù hiện nay, số doanh nghiệp nhà nước không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP.

Với quá trình đẩy mạnh cổ phần hoá, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm dần, chiếm tỷ trọng thấp về số lượng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Song, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại hội thảo, chất lượng quản trị doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện, tiến dần hơn các chuẩn mực khu vực ASEAN. Tuy vậy, khoảng cách vẫn còn quá xa. 12 đại dự án đắp chiếu đã thể hiện rõ sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn nhà nước của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho tiết, một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh do một số những tồn tại, hạn chế.

“Doanh nghiệp nhà nước còn thiếu tự chủ, điều này cản trở các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế còn hạn chế. Vấn đề này xuất phát từ việc doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Trung cho hay.

Hiện nay, một số bộ đang được giao quản lý doanh nghiệp nhà nước nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể cơ quan nào có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Hệ thống quản lý, giám sát rườm rà bởi nhiều quy định, không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả.

PGS.TS Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà nội cho rằng, điểm tắc nghẽn trong cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhà nước hiện nay là khung pháp lý thiếu ổn định và không rõ ràng đã kìm hãm đổi mới sáng tạo trong đầu tư phát triển.

Đưa ra đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng, PGS.TS Hồ Sĩ Hùng, Phó Chủ tích Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; củng cố, phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có thương hiệu lâu đời, bên cạnh khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng lớn mạnh sẽ là một trong những giải pháp quan trọng.

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần thiết làm rõ nội hàm kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là nóng cốt; hoàn thiện quản trị bình đẳng, thống nhất giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác, nhất là những khâu yếu như tuyển dụng, bổ nhiệm.

Theo đó, xem xét sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp nhà nước.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội đề xuất, mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, tư duy coi doanh nghiệp nhà nước như doanh nghiệp tư nhân đồng thời hỗ trợ tốt doanh nghiệp trong dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt đối với doanh nghiệp.

“Đặc biệt, mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp nhà nước, xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Các bộ, ban, ngành cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý. Trao quyền, “cởi trói”, nhưng câu chuyện giám sát, quản lý phải làm tốt. Có như vậy, các doanh nghiệp nhà nước mới phát huy hết được thế mạnh của mình”, ông Tuấn nhấn mạnh./.​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục