Giải pháp nào để ngăn chặn thuốc lá lậu trong bão dịch COVID-19?

07:57' - 31/12/2021
BNEWS Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Lê-Cục Phó Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương về những thách thức trong hoạt động chống thuốc lá lậu.

Dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong thời gian qua đã khiến việc trao đổi, mua bán hàng hóa gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Cùng với đó, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng cùng những giải pháp mạnh tay đã tạo bước chuyển biến khả quan trong việc chống buôn lậu thuốc lá điếu.

Thế nhưng, theo nhận định từ Ban chỉ đạo quốc gia 389, câu chuyện chống lậu thuốc lá vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần là thời điểm để buôn lậu hoành hành; trong đó gồm cả mặt hàng thuốc lá.

Bởi vậy, để trả lời cho việc ngăn chặn hiệu quả việc chống buôn lậu thuốc lá và nâng cao vai trò bộ lọc trong kiểm soát mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Lê-Cục Phó Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Phóng viênHiện việc mua bán thuốc lá điện tử đang diễn ra trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Vậy cơ quan chức năng đã kiểm soát vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lê: Qua thực tiễn kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm cho thấy mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trên thị trường hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá.

 

Ngoài ra, hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin, mua bán, trao đổi về các loại thuốc lá nêu trên diễn ra mang tính công khai trên các tài khoản cá nhân, các hội, nhóm; có rất nhiều thành viên tham gia trên các mạng xã hội, internet và một số website thương mại điện tử kinh doanh các sản phẩm này.

Bên cạnh đó, xuất hiện một số điểm bán hàng công khai trên thị trường, cá biệt, có một số điểm bán gần khu vực trường học, nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên.

Việc kinh doanh, quảng cáo tràn lan các sản phẩm nêu trên vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em, học sinh, sinh viên, thuốc lá điện tử gây nghiện và có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não.

Nồng độ nicotine cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ….tạo nên một thế hệ trẻ lệ thuộc vào nicotine, gây nên các gánh nặng về bệnh tật, tử vong, tệ nạn xã hội (do nguy cơ sử dụng cùng với ma túy) và các hệ lụy khác đối với xã hội.

Do đó, tăng cường các biện pháp quản lý, phòng chống việc kinh doanh, quảng cáo ngày càng tràn lan các sản phẩm này là một trong những nhiệm vụ cấp thiết không riêng chỉ lực lượng Quản lý thị trường, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất, kịp thời của các ngành, các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.

Phóng viên: Thưa ông, ngay trong thị trường nội địa, các mặt hàng thuốc lá lậu đang có chiều hướng gia tăng, hiện tượng mua bán công khai nhưng số vụ việc vi phạm là rất thấp. Vậy thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Nguyễn Đức Lê: Như đã nêu ở trên, trong thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quác cafe, tủ bán thuốc lá lẻ...

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc được cất giấu, tàng trữ tại khu vực nhà ở, khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, có người theo dõi và buôn bán với số lượng nhỏ lẻ; bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không nhiều.

Do vậy, để hạn chế tình trạng này, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các lực lượng trên thị trường nội địa như Công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như quản lý địa bàn, giám sát, thu thập thông tin để kịp thời, nhanh chóng xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.

Phóng viên: Tết Nguyên đán đã cận kề, vậy phía cơ quan chức năng đã có những giải pháp nào để hạn chế hiện tượng buôn lậu thuốc lá dự báo sẽ gia tăng trong khoảng thời gian này, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lê: Trong thời gian tới, để triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu và đặc biệt là các sản phẩm “thuốc lá thế hệ mới”.

Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Công điện hỏa tốc số 229/CĐ-BCĐ389 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà; Công văn số 2374/TCQLTT-CNV ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử...

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, theo dõi diễn biến thị trường, chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử...; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý việc vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá nhập lậu trong nội địa và các giao dịch mua bán bất hợp pháp qua môi trường mạng internet.

Ngoài ra chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá nhập lậu.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục