Giải pháp nào để quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập?

15:01' - 31/12/2016
BNEWS Hiện nay, không ít doanh nghiệp tỏ ra thiếu kiến thức về sản phẩm, không nêu bật được lợi thế, điểm mạnh của sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp để có thể thuyết phục được khách hàng.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016 cả nước đã có hơn 110.100 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng hơn 16% so với năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động xấp xỉ 26.700 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với năm trước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: TTXVN

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đây là những minh chứng sống động và ấn tượng về sự tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây.

Mặc dù, kết quả khả quan là vậy, song nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại về thực trạng sức khỏe của số đông doanh nghiệp.

Từng là chuyên gia tư vấn cho lãnh đạo cao cấp (CEO) của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, ông Phạm Bình Minh, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần BMSGROUP Global đã chỉ rõ 10 điểm yếu về năng lực quản trị của các doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, mấu chốt nhất là vấn đề thiếu ý tưởng, thiếu sáng kiến.

Lý giải điều này, ông Minh nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp “copy” các mô hình, hay dịch vụ ở nước ngoài, ở các doanh nghiệp khác đang hoạt động hiệu quả và sinh lời, để xây dựng thành của mình. Điều đó đã tạo nên không ít trào lưu kinh doanh hay những cơn sốt các sản phẩm, nhãn hàng và loại hình dịch vụ ăn khách nhưng chỉ mang tính thời vụ và thường không tồn tại lâu bền.

Không ít doanh nghiệp tỏ ra thiếu kiến thức về sản phẩm. CEO của họ chỉ nhắc tới việc bán sản phẩm đó ra thị trường và được đón nhận ra sao. Chứ không nêu bật được lợi thế, điểm mạnh của sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp, thậm chí, không nắm được những kỹ thuật cơ bản, cần có thể thuyết phục khách hàng.

Một trong những yếu điểm nữa mà doanh nghiệp Việt thường mắc phải đó là sự thiếu nhiệt tình, thiếu chăm sóc khách hàng.

“Tới khi nào, doanh nghiệp mới nhận thức được tầm quan trọng và tính thực chất của câu “khách hàng là thượng đế. Doanh nghiệp thường không chuẩn bị kế hoạch chăm sóc khách hàng thân thiết, cũng như tính toán và không sẵn sàng đầu tư tìm kiếm khách hàng tiềm năng”.

Điều này lý giải vì sao không chỉ kỹ năng mà kể cả năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt luôn thua kém so với các đối thủ có tầm nhìn chiến lược, ông Minh phân tích.

Xét ở góc độ các lãnh đạo quản trị cấp cao doanh nghiệp thì là vậy, còn đội ngũ quản lý cấp trung, các nhân viên thuộc doanh nghiệp cũng vướng phải không ít khó khăn.

Do lực lượng này có tinh thần làm việc gắn với lợi ích, các quyền lợi được hưởng và chế độ đãi ngộ của công ty, nên khi doanh nghiệp thua sút, thường phải đối mặt với khó khăn lớn về nhân sự.

Đây là vấn đề cần những giải pháp ôn hòa, hướng tới xây dựng sự gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp và người lao động. Đó cũng chính là văn hóa doanh nghiệp mà bất kỳ ở quy mô nào cũng cần có nhận thức đúng và hành động đúng.

Tuy nhiên, thực tế, phần đông người lao động thuộc các doanh nghiệp lại ít được huấn luyện vào đào tạo lại nên thiếu kiến thức thị trường, thiếu những hiểu biết về công ty, vì thế dễ hiểu họ không có nhiều mục tiêu cá nhân. Khi không xây dựng được liên kết giữa mục tiêu cá nhân của người lao động với định hướng phát triển của doanh nghiệp, thì đó chính là sự thất bại.

Ông Minh cũng nhấn mạnh, vấn đề lớn cuối cùng, chính là lỗ hổng về giám sát tài chính. Khả năng giám sát của doanh nghiệp Việt Nam thường là không chặt chẽ. Tài chính kế toán dường như là “thế giới bất khả xâm phạm” trong mỗi doanh nghiệp.

Nơi quản lý thu chi, lưu giữ số liệu về sức khỏe doanh nghiệp, nơi công chính thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước và người lao động… thì lại là nơi khó quản trị và giám sát nhất trong công ty.

Ông Tăng Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ Bách Khoa chia sẻ, đã từng phải trả giá bằng việc 2 công ty phá sản do không sâu sát với vấn đề tài chính kế toán và do tin tưởng bạn bè.

Khi vấn đề phát sinh xảy ra, vướng mắc nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp vừa tổn thất mà bản thân ông cũng mất đi một người bạn. Đó chính là lý do vì sao, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản trị bằng cách sử dụng dịch vụ kế toán qua một công ty trung gian có uy tín và được cam kết trước pháp luật.

Bàn tới giải pháp tăng năng lực quản trị doanh nghiệp theo bà Lê Kim Cương, Giám đốc, Công ty cổ phần xây dựng XDB, muốn phát triển ổn định và lâu dài, doanh nghiệp cần chú trọng tới một số vấn đề về pháp lý.

Bản thân lãnh đạo điều hành doanh nghiệp cần có kiến thức và hiểu biết pháp luật để mọi quyết định kinh doanh tránh được những rủi ro không đáng có. Hơn thế nữa, nắm bắt và cập nhật thông tin thị trường luôn là giải pháp giúp doanh nghiệp tìm được hướng đi đúng, phù hợp trong mọi hoàn cảnh.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Bình Minh cho rằng, doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô nào cũng cần xây dựng cho được bản chiến lược và định hướng phát triển; trong đó, tập trung vào các quy trình nội bộ và mở rộng khả năng tiếp cận đối với nhân viên quản lý từ cấp trung trở lên.

Bên cạnh đó, tăng cường mối giao kết giữa lãnh đạo cấp cao vào người lao động vì mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp gắn với quyền lợi người lao động và trên hết là trách nhiệm.

Quan trọng hơn là thay đổi tư duy quản trị, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và các thiết bị công nghệ tiên tiến vào quản lý năng suất lao động, cũng như quản trị hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trên hết là cần những giải pháp để sát sao với “túi tiền” của doanh nghiệp; không chỉ là quản trị dòng tiền được an toàn, mà còn biết cách tăng sinh và giúp doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng như mong muốn, ông Minh nhấn mạnh./.

>>> Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp titan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục