Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng ổn định

11:49' - 29/12/2016
BNEWS Năm 2016 gặp khó khăn cả từ thế giới và trong nước nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Trong phiên thảo luận sáng 29/12 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016, các tư lệnh lĩnh vực kinh tế khẳng định năm 2016 là một năm nhiều khó khăn cả từ thế giới và trong nước nhưng cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo.

Vượt thu ngân sách trong khó khăn

Phát biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016, có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Ngoài nguyên nhân tăng trưởng kinh tế không đạt là các nguyên nhân giá dầu giảm làm thất thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng, khí làm giảm thu 1.000 tỷ đồng, khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 20% do trích lập dự phòng; thua lỗ các dự án lớn thuộc các doanh nghiệp Nhà nước…

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các bộ ngành trung ương, các địa phương đã thực sự vào cuộc quyết liệt cùng ngành tài chính đến thời điểm này, thu ngân sách đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Riêng trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế… Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, công khai doanh nghiệp nợ thuế, tăng cường kiểm tra với gần 82.000 doanh nghiệp, kiến nghị tăng thu 14.500 tỷ đồng, đến nay thu được 9.200 tỷ đồng.

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài Chính đã phạt 607 tỷ đồng doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, tăng thu khoảng 2.000 tỷ đồng; thu 6.600 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước…

Đặc biệt, đến hết tháng 11/2016, ngành tài chính đã thu hồi 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế và số còn nợ đọng thấp hơn thời điểm năm 2015. Số nợ thuế hải quan chỉ còn 1%. Tuy nhiên số nợ đọng thuế còn lớn, còn tình trạng thất thu. Hiện tại, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, năm nay ngành tài chính đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính; trong đó tập trung vào công tác kiểm tra chuyên ngành, công tác một cửa quốc gia.

Bộ đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính; triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế. Hiện cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 36/283 thủ tục hành chính của 10/14 bộ và mục tiêu đến năm 2020 cơ bản phải kết nối hết các thủ tục hành chính.

Nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu giảm 35 giờ, nhập khẩu giảm 32 giờ. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới việc này đã giúp tiết kiệm khoảng 600 triệu USD.

Không làm thị trường biến động mạnh

Để giữ được ổn định trong môi trường rung lắc mạnh của năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh sự phối hợp giữa các Bộ, ngành: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong điều hành lạm phát, tỷ giá…

Cụ thể, về điều hành lãi suất, cả mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý.

Về thị trường ngoại tệ, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thanh khoản được đảm bảo.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2016 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng được nâng lên, có biện pháp bảo đảm an toàn rủi ro...

Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhìn nhận, vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn... đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tiền tệ, tỷ giá của năm 2017.

Từ những yếu tố này, Ngân hàng Nhà nước xác định, năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đồng thời tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...

Tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các mục tiêu đã đạt được rất tích cực cả về xuất khẩu; tổng mức luân chuyển hàng hóa; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khoảng 7,4%;...

Để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy ngành công thương; đơn giản hóa thủ tục hành chính với những cải cách triệt để nhằm tạo sự thông thoáng trong các hoạt động nhập khẩu, lưu thông.

Về thúc đẩy sản xuất, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ngành công thương đã đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội. Cụ thể là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy phát điện trọng điểm, phát triển hệ thống truyền tải, đẩy mạnh tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống phân phối bán lẻ nội địa cả trong đóng góp vào tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược để phát triển hệ thống bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập.

Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành hệ thống các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.

Tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp

Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm 2016 là năm rất khó khăn với ngành nông nghiệp nhưng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong tái cơ cấu và thu hút đầu tư.

Theo đó nhiều hoạt động hỗ trợ nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai; nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào nông nghiệp...

Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã giảm thiểu được mức độ thấp nhất tác động của thiên tai, từng bước lấy lại đà tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2017 những thách thức sẽ còn gay gắt hơn đối với ngành nông nghiệp. Đó là chính sách bảo hộ sản phẩm của các nước sẽ ảnh hưởng tới cả xuất khẩu, nhập khẩu nông sản; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi...

Vì vậy, cùng với việc đề nghị các địa phương quan tâm, lường trước khó khăn để có giải pháp quản lý tích cực, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh năm 2017 ngành phải tập trung tháo gỡ những nút thắt sản xuất nông nghiệp.

Đó là tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp; chuyển từ 500.000 - 700.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; chính sách huy động doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp; triển khai hiệu quả gói tín dụng 60.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, ngành sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến bất lợi thành lợi thế. Đồng thời đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục