Giải pháp nào giúp doanh nghiệp đón đầu xu hướng kinh doanh mới?

19:23' - 19/08/2022
BNEWS Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới...

Chiều 19/8 tại Hà Nội,  Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam tổ chức diễn đàn "Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững".

Sự kiện thu hút mối quan tâm và tham gia của đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp và đông đảo báo giới.

Khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho rằng, trong quý III/2022, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh của nền kinh tế với nhiều kết quả, được bạn bè quốc tế đánh giá cao nên xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức "ổn định" và "tích cực".

 

Với các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý II và các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh đang nhanh chóng phục hồi. Điều này, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế với sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp cả nước cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19; trong đó, 94% là doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như: 60% doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, 53% doanh nghiệp bị thiếu hụt nhân công, 52% doanh nghiệp bị mất cân đối dòng tiền và 52% doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng...

Cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến họ dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh. Đó chính là lý do phải phát triển đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh để tiếp sức và lãnh đạo cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.

Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực, quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại và dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cấu trúc lao động nhằm thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.

Tại diễn đàn, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD); Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD); Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam cho biết, nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của quản trị hoạt động – quản trị doanh nghiệp thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của quản trị công ty (QTCT) và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm.

Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có được nhiều lợi ích về mặt tài chính như: nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành và hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản, bao gồm: thiết kế hệ thống; xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống và có nhân lực để thực hiện. Khi ba trụ cột được xây dựng một cách vững vàng, doanh nghiệp sẽ phát triển được bền vững, bất kể lãnh đạo doanh nghiệp là nam hay nữ, hay lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty, hệ thống quản trị công ty không chỉ nên dừng lại ở cấp độ sơ khởi nhất là tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành, đặc biệt trong một thời kỳ doanh nghiệp chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững", bà Thu Thanh lưu ý.

Là một trong số những doanh nghiệp tham gia diễn đàn, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược rõ ràng, nhất quán và kiên định với nguyện vọng và tầm nhìn, sứ mệnh. Những điều này là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp luôn đi đúng hướng và tiến về phía trước. Để xây dựng công ty có năng lực cạnh tranh và dẫn đầu, đội ngũ lãnh đao cần là những người có hoài bão, dám nghĩ dám làm.

Tại Tân Hiệp Phát, các cấp quản lý cần là những người sẵn sàng tạo nên sự khác biệt, đầu tư, tìm kiếm những hệ thống, mô hình quản trị. Đồng thời tiên phong triển khai mô hình quản trị hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công ty đặt yếu tố tiên phong để nỗ lực đạt được những bước phát triển ấn tượng. Điều này đã giúp Tân Hiệp Phát trở thành công ty đầu tiên trong ngành đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001…

Đặc biệt, bà Phương còn cho biết, Tân Hiệp Phát là tập đoàn tiên phong trong sử dụng công nghệ mới để tạo sự thay đổi không chỉ trong chính doanh nghiệp, mà còn tạo làn sóng chuyển đổi trong lĩnh vực nước giải khát. Hiểu rõ về doanh nghiệp, Tân Hiệp Pháp đã chủ động đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ quản trị để cải tiến doanh nghiệp. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ đại dịch để đẩy mạnh chuyển đổi số./.

Ngọc Quỳnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục