Giải pháp nào gỡ khó cho Vinachem?

15:06' - 13/04/2020
BNEWS Khi đưa vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu.

Theo báo cáo số 460a/HCVN-KHKD về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có thể phải đối mặt với nguy cơ lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Hiện Tập đoàn đang tìm các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn nhằm giảm thua lỗ. 

Theo báo cáo của Vinachem, quý I/2020, doanh thu của Tập đoàn ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, 4 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém gồm: Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ khoảng hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn lại các doanh nghiệp khác của Vinachem có kết quả kinh doanh khá ổn định, đem lại lợi nhuận 363 tỷ đồng, tăng 32%.

Theo Vinachem, hiện nay, dịch COVID-19 đã khiến các đơn vị của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất, trong tiêu thụ sản phẩm, tiến độ sửa chữa máy móc thiết bị...

Thời gian qua, Tập đoàn và các đơn vị của Tập đoàn đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong quý I/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với nhóm ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giá trị sản xuất giảm 15,7%, doanh thu giảm 2,9%.

Khó khăn được Vinachem chỉ ra là việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị sẽ xảy ra “khủng hoảng thiếu”, không có, chậm tiến độ hoặc phải mua giá cao. Hiện, các nhóm ngành của Vinachem chỉ đủ nguyên liệu đến tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng giảm mạnh cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Ở trong nước, hầu hết mặt hàng chủ lực của Vinachem như: phân bón, cao su, hóa chất, pin ắc quy... đều tiêu thụ giảm mạnh về giá và lượng do nhu cầu trong nước suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, việc hạn chế giao thương hàng hóa qua biên giới giữa các nước cũng làm đơn hàng sụt giảm mạnh, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc giảm sản lượng nghiêm trọng ở hầu hết thị trường như: Hoa Kỳ, châu Âu, Brazil, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á...

Theo tính toán của Vinachem, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém trên sẽ lỗ tới 3.444 tỷ đồng, tăng 33,9% so với kế hoạch. Trong khi, lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, chỉ đạt khoảng 1.150 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra. Doanh thu cả năm của Vinachem chỉ ước đạt hơn 39.200 tỷ đồng, giảm gần 15% so với kế hoạch năm 2020.

Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý III/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém kể trên sẽ lỗ tới hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 41,7% so với kế hoạch. Các doanh nghiệp còn lại lợi nhuận ước đạt 962 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với kế hoạch.

Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý IV/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém của Vinachem có thể lỗ hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 45,7% so với kế hoạch. Các đơn vị còn lại của Vinachem lợi nhuận năm 2020 ước đạt 816 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kế hoạch.

Trước những khó khăn kể trên, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem cho hay, Tập đoàn đã chủ động tìm nguồn hàng thay thế trong nước hoặc ở các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời, làm việc với các nhà cung cấp về nhu cầu cả năm 2020 từ thời điểm hiện tại đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất ổn định lâu dài.

Tập đoàn cũng sẽ rà soát, đánh giá toàn diện nhu cầu thị trường, khả năng sản xuất và lợi thế của đơn vị để xác định chiến lược sản phẩm; cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để từ đó bố trí các nguồn lực hợp lý, hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Phùng Quang Hiệp cũng kiến nghị nghị, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét gỡ khó một số khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho 3 dự án là: đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 2-Vinachem.

Ngoài ra, cho phép các dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được tiếp tục giảm 50% mức trích khấu hao tài sản cố định hàng năm theo phương pháp đường thẳng từ năm 2020 đến 2025, phần giá trị giãn khấu hao sẽ được phân bổ vào những năm còn lại của tài sản cố định.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đề nghị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ đẩy nhanh việc trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%.

“Việc giải quyết kiến nghị trên không đòi hỏi Nhà nước phải bỏ tiền hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19, mà chỉ là điều chỉnh chính sách để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bình đẳng với phân bón nhập khẩu”, đại diện lãnh đạo Vinachem cho hay.

Khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước có môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng; tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích lâu dài của nông dân.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục