Giải pháp nào minh bạch thông tin về kinh doanh đa cấp?

17:08' - 14/06/2019
BNEWS Mặc dù hoạt động kinh doanh đa cấp thời điểm này đã đi vào hoạt động khá ổn định. Nhưng, những thông tin về loại hình hoạt động đặc thù này vẫn khá dè dặt, thiếu công khai minh bạch.
Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp - Minh bạch và công bằng thông tin". Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Chiều 14/6, tại Hà Nội, với mong muốn tìm giải pháp cung cấp và khai thác thông tin minh bạch, khách quan về doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp - Minh bạch và công bằng thông tin".

Kinh doanh đa cấp bắt đầu du nhập vào thị trường Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21. Để hoà nhập với xu hướng chung của thế giới cũng như đáp ứng tình hình thực tế tại Việt Nam, hành lang pháp lý về kinh doanh đa cấp cũng dần được hình thành.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, do các quy định và chế tài quản lý còn khá lỏng lẻo và nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo chiều hướng xấu. Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân.

Ngày 12/03/2018, nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, đưa lĩnh vực này chuyên nghiệp, bài bản và minh bạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (Nghị định 40) về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Mặc dù hoạt động kinh doanh đa cấp thời điểm này đã đi vào hoạt động khá ổn định, tuân thủ pháp luật và công khai. Nhưng, những thông tin về loại hình hoạt động đặc thù này vẫn khá dè dặt, thiếu công khai minh bạch. Điều này khiến nhiều phương tiện truyền thông, báo chí thiếu thông tin dẫn đến đưa tin chưa đúng và một chiều, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn chân chính.

Theo ông Phạm Văn Cao, Trưởng phòng Điều tra và xử lý hành vi Cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trước đây, việc báo chí đưa tin về hoạt động đa cấp chưa đúng là có lý do bởi nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do kinh doanh đa cấp bất chính.

Theo ông Cao, hiện tại vẫn có một sự nhầm lẫn về mặt thuật ngữ giữa bán hàng đa cấp và bán hàng đa cấp bất chính vì đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. “Thực tế cho thấy, khi nói về vấn đề kinh doanh đa cấp bất chính, nhiều người chỉ dùng một cụm từ chung chung là bán hàng đa cấp nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính bị ảnh hưởng”, ông Cao nhìn nhận.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam chia sẻ, có hai loại công ty, đó là công ty đa cấp chân chính và bất chính. Trước đây, khi Nghị định 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa ra đời thì số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh này là 67 doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi Nghị định 40 ra đời, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chỉ còn có 23 doanh nghiệp.

Theo quan điểm của ông Sơn, không phải tất cả 44 doanh nghiệp còn lại đều là bất chính, mà chỉ có khoảng 2/5 trong số này là kinh doanh đa cấp bất chính. Trong số đó, có những doanh nghiệp không muốn đầu tư, kinh doanh nữa nên chọn cách rút khỏi thị trường Việt Nam.

Trước những hạn chế về việc cung cấp thông tin, ông Sơn thừa nhận rằng, các doanh nghiệp đa cấp hiện nay chưa chủ động cung cấp thông tin về sự phát triển của ngành trên thế giới.  Tuy nhiên, việc này sẽ sớm được khắc phục khi Nghị định 40 ra đời. Vì nghị định yêu cầu các công ty phải có hệ thống công nghệ thông tin và web minh bạch, cập nhật thông tin đầy đủ.

“Hy vọng với sự minh bạch như vậy, khi người dân cũng như các cơ quan báo chí có bất cứ thắc mắc nào đều sẽ được giải đáp”, ông Sơn bày tỏ.

Nhà báo Nguyễn Thiêm, Phó Ban Chuyên đề Báo Công an Nhân dân bày tỏ: “Một thời gian dài, người dân chưa nhận thức được đặc thù và cơ quan nhà nước chưa nhìn ra sự bất cập của loại hình kinh doanh này. Ví dụ như vụ MB 24 – hoạt động bán hàng trên mạng mà chúng tôi tiếp cận từ cơ quan điều tra, khi tiếp xúc điều tra mới thấy rất nhiều người tham gia còn sử dụng máy tính không thành thạo. Như vậy, rõ ràng lỗi đầu tiên từ các doanh nghiệp không cung cấp chính xác thông tin hoàn chỉnh cho người tham gia” – nhà báo Thiêm nhìn nhận.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin về lợi nhuận "khủng" của các mô hình kinh doanh để lôi kéo nhiều người tham gia. Việc thiếu thông tin gây ra hậu quả những vụ lừa đảo quy mô lớn, do đó, khi báo chí tiếp cận thì thấy toàn bất cập. Vì vậy, yêu cầu trước tiên là doanh nghiệp phải rất minh bạch, cung cấp cho tất cả người tham gia khi tham gia phải có kiến thức như thế nào, chuẩn bị tiềm lực ra sao, chứ không chỉ tuyền truyền về lợi nhuận "khủng" như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh chia sẻ, ông đã có nhiều năm làm việc liên quan tới các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp, đã thụ lý với nhiều nạn nhân, nhưng đây là lần đầu tiên Hiệp hội Bán hàng đa cấp chia sẻ thông tin.

 "Đây là điều đáng mừng, bởi thông tin tiêu cực đang làm mô hình kinh doanh đa cấp trở lên xấu xí, người dân nghe thấy là chạy. Nguyên nhân trước hết là do bản thân doanh nghiệp” - ông Truyền nhìn nhận.

Ông Phạm Văn Cao cũng cho biết, hiện nay cục Quản lý cạnh tranh cũng đang có một website cung cấp thông tin về doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh, danh mục hàng hoá, sản phẩm, cập nhật thường xuyên thông tin để cơ quan báo chí và người dân có thể tham khảo và chia sẻ thông tin.  

Ở góc độ cơ quan báo chí, nhà báo Diệu Oanh, Thư ký Toà soạn Báo Thanh Tra cho biết, thực tế hoạt động kinh doanh đa cấp do đã có nhiều biến tướng nên nó đã “ghim sâu” vào trong suy nghĩ của nhiều người là không tốt, lừa đảo. Vì vậy, để thay đổi được nhận thức, thì trước tiên việc công bố thông tin của doanh nghiệp phải công khai, minh bạch, kịp thời. Bên cạnh đó, hiệp hội và các doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức truyền thông. Đó là phải truyền thông một cách bài bản đến cơ quan quản lý nhà nước, người dân và báo chí.  

Luật sư Nguyễn Thế Truyền đề xuất: “Có lẽ việc thay đổi chữ đa cấp sẽ khó, nhưng cần nhiều thời gian. Ngay trong những cái tệ nhất cũng có những điểm rất sáng. Ngay từ bây giờ doanh nghiệp phải sẵn sàng thông tin cho dư luận thấy thông qua Hiệp hội để lấy lại lòng tin từ người tiêu dùng”, ông Truyền nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục