Giải pháp nào thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp địa phương?

12:45' - 18/04/2023
BNEWS Nhiều đơn vị, địa phương cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp địa phương giảm được làm rõ, do vậy cần có ngay các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Ngày 18/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương để nhìn lại kết quả thực hiện quý đầu năm và bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023.

Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị, địa phương cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp địa phương giảm được làm rõ, do vậy cần có ngay các giải pháp tháo gỡ kịp thời. 

 
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương, trong quý I/2023, đã có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng và 15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương tăng trưởng công nghiệp khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, như: Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3%; Đắk Lắk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%; Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%; Thái Bình tăng 55,7%; Quảng Trị tăng 37%; Cà Mau tăng 33,7%)...

Tuy nhiên, một số địa phương có chỉ số công nghiệp tăng thấp hoặc giảm mạnh là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm, như: Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%…

Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước trong quý đầu năm đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, ngành khai khoáng giảm 4,5%...

Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương, có ít nhất 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tại các địa phương. Đó là: về mặt thị trường, hiện nay do nhiều nguyên nhân; trong đó có vấn đề thế giới cũng như các vấn đề liên quan đến hậu COVID-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm, tác động lớn đến đề sản xuất.

Tiếp theo là sự chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tương đối lớn. Ngoài ra là vấn đề liên quan đến tổ chức các chuỗi tiêu thụ sản xuất và tiêu thụ kết nối từ trong nước và nước ngoài..

Báo cáo của các địa phương cũng chỉ ra, sức tiêu thụ của thị trường nội địa đối với nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến thời gian qua giảm, đáng kể như như thịt lợn, thịt gà chậm. Nhiều bếp ăn công nghiệp giảm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí là ngưng sản xuất, giảm ngày làm việc, người dân giảm chi tiêu do khó khăn, trong khi nguồn cung tăng nên giá các mặt hàng này đều có xu hướng giảm...

Từ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu của các địa phương dẫn đến kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I cả nước chỉ đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%)… cho thấy, những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Các địa phương đồng loạt đề xuất cơ quan quản lý hỗ trợ tiếp cận, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị, hiện nay, thị trường truyền thống bị thu hẹp, do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cần hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại…

Ngoài ra, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng, các ngân hàng về giảm lãi suất, nhưng lãi suất cho vay doanh nghiệp vẫn còn cao, đặc biệt là room tín dụng vay vốn, doanh nghiệp vẫn khó khăn tiếp cận.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc do văn bản pháp luật, hướng dẫn còn chồng chéo, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho hay, về phát triển các cụm công nghiệp, dù có hướng dẫn song thực hiện còn nhiều vướng mắc và đi theo 2 hệ thống pháp luật khác nhau, các ngành phải lấy ý kiến của nhau.

Do vậy, Bộ kiến nghị để thực hiện việc phát triển công nghiệp về một đầu mối là Bộ Công Thương cho thống nhất việc lựa chọn đầu tư…

Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp và đồng thuận với nhiều cơ chế, chính sách của các bộ ngành, chính sách tháo gỡ vốn, giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước…, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra nhiều khó khăn trong thời gian tới ngành công thương cũng như các địa phương, doanh nghiệp phải đối mặt.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh nhiều giải pháp cần phải làm ngay, từ các cấp ngành, địa phương đến doanh nghiệp, người dân; tập trung tháo gỡ từng dự án tại các địa phương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm… Từ đó, tạo niềm tin để người dân yên tâm, doanh nghiệp đầu tư….

Để hoàn thành mục tiêu năm 2023 là một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn, nhỏ trên địa bàn.

Các đơn vị cần tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án, nhất là doanh nghiệp, dự án lớn trên địa bàn. Từ đó, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư – nhất là vốn dân doanh.

Các địa phương tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản, đầu tư công trên địa bàn, tạo động lực, dư địa để các ngành, lĩnh vực liên quan phát triển. Đồng thời, quán triệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã nêu trong đề án xuất khẩu chính ngạch để triển khai mở, tận dụng thị trường cho hàng hóa địa phương.

Về kiến nghị của các Sở Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với địa phương nghiên cứu kỹ các kiến nghị, rà soát các quy định hiện hành, phát hiện, sửa đổi các bất cập để triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục