Giải pháp nào xử lý tranh chấp hợp đồng đối tác công - tư?

14:15' - 04/07/2019
BNEWS Hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại và phòng ngừa leo thang thành các vụ kiện giữa Nhà nước và nhà đầu tư
Giải quyết tranh cấp hợp đồng đối tác công tư. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN
Sáng 4/7, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, thực tiễn quốc tế và Định hướng chính sách.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với tư cách là tổ chức đại diện cho tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã tham gia tích cực vào quá trình góp ý chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước.

Việc VCCI cùng VIAC hợp tác cùng KCAB tổ chức hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại và phòng ngừa leo thang thành các vụ kiện giữa nhà đầu tư và nhà nước phát sinh từ hoạt động đầu tư công theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đang được xã hội rất quan tâm...

Ông Phòng nhận định, Việt Nam có nhu cầu  phát triển cơ sở hạ tầng và sẽ huy động nhiều nguồn lực xã hội trong thời gian tới. Vì vậy, mô hình hợp tác công-tư được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư quan trọng, giầu tiềm năng để đáp ứng nhu cầu. “Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng nhanh, xuất khẩu ấn tượng, thành tích thu hút đầu tư nước ngoài vượt bậc. Chính vì vậy, nhu cầu về hạ tầng, năng lượng, chất lượng nhân lực… là rất lớn”, ông Phòng khẳng định.

Thời gian qua, mô hình đối tác Công–Tư (PPP - Public Private Partnership) đã khẳng định được hiệu quả thực tế. Theo số liệu từ Chính phủ khi tổng kết về tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm tháng 1/2019 đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng; trong đó, 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 8 dự án khác.

Hiện tại, Chính phủ đang dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự kiến sẽ trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2019 tới. “Đây là khung khổ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư của tư nhân vào phát triển hạ tầng”., ông Phòng cho hay.

Ông Le Ho Won, Chủ tịch Uỷ ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) cũng khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa KCAB và VIAC với mục tiêu chung là tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện chuyên môn phục vụ không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, mà còn là các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tìm tới Việt Nam như là một điểm đến đầu tư khả thi và ổn định.

Theo ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Phòng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: Trong quá trình hoạt động, VIAC luôn đồng hành của VCCI. Từ đó, VIAC có thể thực hiện được các sứ mệnh đã được đặt ra. Đó là, tổ chức trọng tài quốc tế kiểu mẫu tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp với tiêu chuẩn quốc tế; đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của một Việt Nam năng động, hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục