Giải pháp phát triển kinh tế xanh Đồng bằng sông Cửu Long

17:05' - 31/07/2024
BNEWS Các chuyên gia đánh giá tăng trưởng xanh không chỉ là một mục tiêu mà còn là một con đường dẫn tới sự phát triển toàn diện và bền vững.

Ngày 31/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh", nhằm tìm ra các giải pháp phát triển nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững tại An Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tại hội thảo các chuyên gia đánh giá vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, rất nhiều nguồn chất thải từ nông nghiệp đã được tận dụng làm nguyên liệu đốt để thu hồi năng lượng. Trong số đó, vỏ trấu một loại chất thải từ lúa có khối lượng rất lớn hiện đang được sử dụng một cách hiệu quả để làm nguyên liệu đốt cung cấp nhiệt cho các lò nung gạch, lò sấy nông sản...

Tuy nhiên, lượng tro trấu thải sau khi đốt phát sinh với khối lượng lớn và trở thành một vấn đề môi trường đáng quan tâm ở nước ta nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Hiện nay, ở nước ta tro trấu đã được nghiên cứu ứng dụng vào một số lĩnh vực như cải tạo đất trong nông nghiệp, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng nhẹ. Theo các chuyên gia, nhìn chung vẫn chưa có giải pháp nào mang tính hiệu quả để tận dụng nguồn chất thải tro trấu.

Ông Nguyễn Trung Thành- Phó giáo sư Tiến sĩ Trường Đại học An Giang cho biết, An Giang là một trong hai tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất lúa gạo, với sản lượng lúa hàng năm khoảng 4 triệu tấn, chiếm khoảng 9,2% tổng sản lượng lúa gạo cả nước. Hiện tại, trên địa bàn An Giang lượng vỏ trấu phát sinh từ quá trình xay xát lúa đang được tái sử dụng làm nhiên liệu đốt cho các lò gạch nung, lò sấy nông sản… ở địa phương. Khối lượng tro trấu phát sinh từ các cơ sở sản xuất gạch nung, sấy lúa, nấu rượu trên địa bàn tỉnh dao động từ 2,4-1.600 tấn tro/năm.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, lượng tro thải sau quá trình đốt vỏ trấu đang tạo ra một áp lực lớn lên chất lượng môi trường; trong đó, các cơ sở sản xuất gạch nung là nguồn phát thải tro trấu nhiều nhất, trung bình thải ra khoảng 342 tấn/năm. Tro trấu phát sinh với khối lượng lớn hiện nay đang bị thải bỏ trực tiếp vào môi trường vì không mang lại nhiều giá trị sử dụng. Điều này vừa gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường xung quanh, vừa gây lãng phí.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu thành công gần đây đã cho thấy những giá trị khoa học và thực tiễn của tro trấu thải khi được sử dụng là nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất các vật liệu mới để ứng dụng ngược lại cho việc xử lý ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất. Vì vậy, việc nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm được chế tạo từ nguồn tro trâu thải tại An Giang và cả nước là cần thiết, góp phần vào định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn của An Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá tăng trưởng xanh không chỉ là một mục tiêu mà còn là một con đường dẫn tới sự phát triển toàn diện và bền vững. Kết hợp giữa kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh chính là chìa khóa giúp An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân.

Theo ông Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang, qua quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn trên địa bàn An Giang và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện những mô hình kinh tế tuần hoàn tốt, có hiệu quả như trồng nấm rơm trong nhà dạng trụ để xử lý rơm; trồng nấm rơm dưới tấm năng lượng mặt trời tận dụng xác bã làm phân hữu cơ; chế biến phụ phẩm thực vật thành phân hữu cơ vi sinh; chăn nuôi bò thịt tuần hoàn,…. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình còn ít nên rất cần đi sâu tìm hiểu và để xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp thực tế địa phương.

Ông Đoàn Ngọc Phả nhấn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh với mục tiêu bảo vệ môi trường, tiệt kiệm tài nguyên là xu thế phát triển tất yếu của thế giới và định hướng phát triển ở Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp tái chế chất thải từ các quá trình sản xuất trở thành những sản phẩm hữu ích để nâng cao giá trị của chất thải đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học và nhà quản lý ở địa phương.

Theo ông Trịnh Văn Dũng- Phó giáo sư Tiến sĩ Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn có ba lợi thế không thể phủ nhận. Cụ thể, giảm tác động tiêu cực đến môi trường nhờ giảm sử dụng tài nguyên; giảm chi phí sản xuất do giảm lượng tài nguyên sơ cấp được sử dụng; sự xuất hiện của các thị trường mới như thị trường carbon, có nghĩa là tạo ra việc làm mới và tăng mức phúc lợi chung.

Ông Trịnh Văn Dũng cho rằng: Phát triển nền kinh tế tuần hoàn là chiến lược an toàn môi trường của đất nước, của nhân loại. Phát triển nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tăng mức độ tái chế chất thải sản xuất và tiêu dùng; phát triển hệ thống quản lý hiệu quả chất thải sản xuất; hình thành ngành công nghiệp tái chế, bao gồm cả việc tái sử dụng chất thải.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục