Giải pháp phát triển sản phẩm vùng miền và du lịch nông thôn

21:28' - 12/11/2022
BNEWS Đại biểu các tỉnh, thành phố đã tích cực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn.

Chiều 12/11, tại tỉnh Tuyên Quang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đồng thời công bố chương trình thí điểm phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc.

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng Hoà Ireland tại Việt Nam John McCullagh; hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Sau hơn 4 năm triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được các địa phương chủ động triển khai một cách có hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hết tháng 10/2022, cả nước có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao; hơn 4.390 chủ thể OCOP có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình OCOP phấn đấu đến năm 2022, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là doanh nghiệp; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%...

Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh, thành phố đã tích cực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, chương trình OCOP là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đây là tiền đề thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn song lại mang đặc trưng rất riêng. Với nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch được triển khai, hoạt động du lịch của tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc.

Tuyên Quang còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn. Thời gian tới tỉnh mong nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong cả nước...

Ông Chu Hoàng Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, một trong những lựa chọn trọng tâm của Lào Cai là lấy văn hoá dân tộc là nền tảng tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch.

Từ khi du lịch cộng đồng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở các địa phương trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn vốn di sản văn hoá bản địa…

Tham gia thảo luận tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ireland tại Việt Nam John McCullagh cho biết, hoạt động thí điểm phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc do Chính phủ Ireland hỗ trợ thông qua thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) với tổng kinh phí là 100.000 Euro và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2022 - 2023. 

Hoạt động được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận với các sinh kế nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ khu vực miền núi phía bắc, góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng thông qua tạo cơ hội và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị nông nghiệp và thị trường…

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra các giải pháp nhằm phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể; tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản mang tính đặc trưng của từng địa phương, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa; hình thành sản phẩm tích hợp, liên kết các sản phẩm tạo sự đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung xây dựng các điểm đến, các sản phẩm du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá bản địa; đa dạng hoá các sự kiện, lễ hội, diễn đàn để giới thiệu và kết nối cung – cầu du lịch nông nghiệp; phát triển mở rộng mô hình Homestay thành Village stay; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục