Giải pháp quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chính sách để phát triển logistics

22:13' - 10/08/2023
BNEWS Phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm, thiếu đồng bộ...

Ngày 10/8, tại Tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu” do Tạp chí Hải quan tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những điểm yếu làm cản trở sự phát triển của ngành logistics.

Cụ thể, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm, thiếu đồng bộ khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng… Vì vậy, việc kéo giảm chi phí logistics hiện là đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.

 

Phân tích thêm về các hạn chế, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn dẫn số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, khoảng 20% số cảng biển tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics. Trong khi đó, hơn 50% số cảng biển phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.

Bên cạnh đó, khoảng 20% số đường bộ tại Việt Nam được xây dựng hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi hơn 50% số đường bộ phải chịu tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, khoảng 30% số sân bay tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi hơn 40% số sân bay phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.

Ngoài ra, phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB, FCA trong Incoterms nên quyền định đoạt về vận tải đều do người mua chỉ định và người mua sẽ chỉ định một công ty nước họ để thực hiện điều này. Do đó, các công ty logistics của Việt Nam không có nhiều cơ hội để cung ứng dịch vụ logisitcs. Điều này không phải dễ dàng giải quyết vì phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam đều gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đã có những hợp đồng dài hạn với các công ty logistics toàn cầu.

Về những giải pháp quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chính sách để phát triển logistics trong thời gian tới, Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất: cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào xây dựng các cảng hàng, sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông và quản lý hàng hóa. Cùng đó, tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển các trung tâm logistics của Tp. Hồ Chí Minh theo quy hoạch hoàn chỉnh, mang tính lâu dài và đồng bộ với các quy hoạch tổng thể; giao các doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác cảng và cung cấp giải pháp dịch vụ logistics để triển khai các trung tâm này.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất nhập khẩu và phát triển, ông Mike Bhaskaran, Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghệ Kỹ thuật số DP world cho rằng, tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam rất lớn bởi đây là đất nước đã và đang là quốc gia nằm trong Top 10 nước xuất khẩu lớn trên toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Do đó, cần tăng cường khả năng hiển thị và tính minh bạch thông qua thúc đẩy phát triển các giải pháp công nghệ Internet vạn vật, hệ thống theo dõi GPS,...Trong đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực chuyển đổi công nghệ quản lý để tăng cường tự động hoá khâu quản trị, rút ngắn thời gian giao nhận hàng, gia tăng nội lực cung ứng. Đó cũng chính là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ở góc độ cơ quan hải quan, ông Nguyễn Bắc Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hải quan toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Để tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động logistics của doanh nghiệp nói riêng, theo ông Nguyễn Bắc Hải, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung xây dựng Đề án mô hình về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ.

Đây là mô hình nhằm hướng tới xây dựng một Hệ thống Cửa khẩu thông minh, biên giới thông minh, phục vụ công tác quản lý nhà nước của các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục