Giải pháp sản xuất an toàn trong đại dịch

17:00' - 13/12/2021
BNEWS Cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch COVID-19 lần thứ tư.

Đi cùng với việc khôi phục nhanh hoạt động thì việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí có thể coi là quyết định để hoạt động sản xuất ổn định và bền vững. Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Sản xuất an toàn trong đại dịch” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, ngày 13/12.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học, tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Để thực hiện được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là "sản xuất an toàn và có an toàn mới sản xuất", thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để đưa ra các phương pháp thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

Bộ Y tế cũng đang dự thảo kế hoạch tổng thể phòng chống dịch bệnh dựa trên nền tảng khoa học và kinh nghiệm của các nước trên thế giới và  kinh nghiệm của chính Việt Nam qua 4 đợt dịch, nhất là đợt dịch thứ 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam đang được nâng lên, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Với chiến lược vaccine thực hiện hiệu quả, đến nay, việc triển khai tiêm vaccine mũi 1 cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên đã đạt khoảng 98% và mũi 2 đạt trên 78%;

Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh là một trong các địa phương đạt tỉ lệ bao phủ vaccine nhanh nhất và cao nhất. Đặc biệt là qua 4 đợt dịch, ý thức của người dân đã nâng lên rất cao, để từ đó có thể chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch.

Song hiện nay, diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng mới như Omicron. Theo đó, kế hoạch chống dịch trong giai đoạn tới là phải thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa kiểm soát được dịch bệnh.

Chiến lược tổng thể sẽ là cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Cùng đó, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động phòng, chống dịch cũng như thực hiện phương châm 4 tại chỗ phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

“Mục tiêu lớn nhất của Chính phủ là bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển.”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Bà Lương Mai Anh, Đại diện trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các cấp độ khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Các địa phương đã chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, hướng dẫn cụ thể việc phòng chống dịch, nâng cao hơn nữa nhận thức, khắc phục tồn tại, hạn chế để sản xuất và phòng chống dịch tốt.

Tuy nhiên, việc tự kiểm tra, giám sát của địa phương, của doanh nghiệp là rất quan trọng để tự nhận ra những khiếm khuyết trong việc phòng chống dịch, phù hợp và thích ứng linh hoạt, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch tốt. Ban chỉ đạo chống dịch từ cấp huyện cần tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, thường xuyên tổ chức diễn tập trong các tình huống cụ thể khác nhau để đánh giá được nguy cơ.

Thông qua kiểm tra giám sát đã tạo được động lực, giúp cho doanh nghiệp củng cố toàn diện hơn trong việc phòng chống dịch, giúp cho sản xuất được tốt hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp, Hồ Chí Minh nêu ý kiến, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng nhân dân. Cộng đồng doanh nghiệp gặp cú sốc lớn chưa từng có.

Nhưng qua đó cũng cho thấy, tinh thần vươn lên mãnh liệt của đội ngũ doanh nhân.  Trải qua giai đoạn khốc liệt nhất, nhiều doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất, vừa ủng hộ nhân lực vật lực cho thành phố chống dịch. Ngay khi chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp thành phố nhanh chóng bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, tất cả 88 doanh nghiệp trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động; trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, có 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động để nắm bắt cơ hội sản xuất, xuất khẩu dịp cuối năm cho các thị trường quan trọng như Mỹ, EU… Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua. Năm nay, kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, đại dịch COVID-19 là khủng hoảng nghiêm trọng, vượt xa so với những kế hoạch dự phòng rủi ro thông thường của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm.

Nhưng nhìn ở một góc độ khác, cơn bão này cũng là cuộc sàng lọc khắc nghiệt đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp nào có thể vượt qua được thì có thể vững vàng phát triển trong thời gian tới. Qua đợt dịch này các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc, và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp.

Theo ông Trần Việt Anh, doanh nghiệp và người dân đều chấp nhận việc thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Tâm lý của người lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp đề xuất thành lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến tại chỗ để cách ly, điều trị cho các ca nhiễm trong khu.

Ngoài ra, số lượng người lao động ở khu nhà trọ tương đương với số lao động ở khu công nghiệp. Do đó, ngoài y tế lưu động cho dân thì y tế địa phương phải đảm bảo lực lượng, nguồn lực để hỗ trợ các khu nhà trọ có đông lao động tập trung. Khi dịch được kiểm soát từ nơi ở thì số lượng F0 trong nhà máy, doanh nghiệp cũng sẽ giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục