Giải pháp thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU

17:46' - 04/11/2023
BNEWS EUDR bắt đầu có hiệu lực từ 29/6/2023. Việt Nam hiện có ba mặt hàng xuất khẩu vào EU, bao gồm; cà phê, gỗ và cao su chịu sự điều chỉnh của EUDR

Chiều 4/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU (EUDR).

Chia sẻ về giải pháp của ngành trồng trọt trong việc đáp ứng và giảm thiểu rủi ro khi thực hiện EUDR, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cho rằng, để hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam không gây mất rừng, minh bạch và bền vững, thích ứng với yêu cầu của EUDR cần gói giải pháp đáp ứng với EUDR và gói giải pháp giảm thiểu rủi ro.

 
Với giải pháp đáp ứng với EUDR, bà Trần Quỳnh Chi cho rằng, cần có hệ thống thông tin rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Trần Quỳnh Chi, giảm thiểu rủi ro mất rừng là giải pháp quan trọng. Theo đó sẽ chứng minh sản phẩm cà phê, cao su Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Như vậy, Việt Nam cần đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu; giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, đảm bảo an sinh xã hội.

Là một trong những ngành hàng sẽ chịu tác động của Quy định EUDR, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, năm 2014 diện tích cao su khoảng 980.000 ha. Do giá cao su từ năm 2014 xuống thấp, nên một số diện tích cao su đã chuyển sang cây trồng khác hoặc mục đích khác, đến nay diện tích cao su khoảng 920.000 ha.

Nếu tính từ năm 2020, cao su Việt Nam không có trồng mới, chỉ có diện tích tái canh của đại điền và mỗi năm từ 15.000-20.000 ha.

Theo ông Võ Hoàng An, đối với ngành cao su, rủi ro với quy định của EUDR là rất thấp, nhất là từ năm 2017 Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng.

Ông Võ Hoàng An cho biết, cao su đại điền và doanh nghiệp tư nhân cũng rất quan tâm đến thực hiện tiêu chí bền vững với việc thực hiện các chứng nhận bền vững như chứng nhận FSC. “Việt Nam và EU cần thống nhất lại quy định về chống mất rừng. Theo đó, với các chứng nhận sản xuất bền vững mà doanh nghiệp đã có cần có sự thống nhất và công nhận lẫn nhau”, ông Võ Hoàng An nêu.

Theo ông Võ Hoàng An, hiện nay pháp lý sử dụng đất của tiều điền sẽ khó khăn khi nông dân sản xuất manh mún. Điều này cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, sự hợp lý hóa trong sử dụng đất đai của nông dân.

Các hộ nông dân và chính quyền địa phương và hiệp hội cùng vào cuộc để đảm bảo truy xuất nguồn gốc với nguồn nguyên liệu cao su tiểu điền cũng như hỗ trợ sinh kế của nông dân nếu như họ phải chuyển đổi sang sản xuất khác, ông Võ Hoàng An nêu ý kiến.

Với ngành hàng cà phê, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 700.000 ha cà phê, nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Trong khi đó, cà phê được trồng không tập trung như cao su, chủ yếu nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.

Ông Nguyễn Nam Hải góp ý, phải xác định thời điểm 31/12/2020 có diện tích trồng cà phê trên đất rừng hay không, nếu có thì xử lý thế nào? Việc truy xuất nguồn gốc tại vườn phải có hợp tác công tư (PPP), đặc biệt là sự hỗ trợ của doanh nghiệp, bởi chi phí thực hiện sẽ rất cao.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, hiện đã có khung kế hoạch hành động cấp quốc gia. Thời gian tới cần sự hợp tác giữa tất cả các bên, giữa khu vực công và khu đầu tư; từ Trung ương tới địa phương; giữa các hiệp hội, doanh nghiệp và các hộ nông dân, hợp tác xã cùng sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế.

Theo đó, các bên cùng hành động về: tuyên truyền, vận động và cùng đưa ra các gói giải pháp kỹ thuật, chuẩn bị đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu về vườn trồng, truy xuất nguồn gốc; chuẩn bị những giải pháp, chương trình, dự án để hỗ trợ những hộ nông dân ở những vùng rủi ro cao chuyển đổi sinh kế.

EUDR bắt đầu có hiệu lực từ 29/6/2023. Việt Nam hiện có ba mặt hàng xuất khẩu vào EU, bao gồm; cà phê, gỗ và cao su chịu sự điều chỉnh của EUDR. Để được phép lưu thông các mặt hàng này tại EU các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm là hợp pháp và không gây mất rừng và suy thoái rừng với thời điểm mất rừng tính từ 30/12/2020 trở về sau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục