"Giải phóng" đất nông lâm trường: Bài 1 - Đã đến lúc cần "cuộc cách mạng" quyết liệt hơn

11:17' - 19/07/2021
BNEWS Không thể phủ nhận, sau gần 3 thập kỷ điều chỉnh, các nông lâm trường đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những đổi thay ấy vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Đất đai là tài nguyên quý giá, là tư liệu sản xuất không gì thay thế được của nông/lâm nghiệp và là trụ đỡ quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chính vì thế, mục tiêu mà Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội đã liên tiếp đặt ra từ năm 1991 đến nay là cần tháo gỡ các vướng mắc từ cơ chế chính sách cũng như bất cập từ thực tiễn quản lý ở cơ sở để “giải phóng” nguồn lực đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường cho phát triển kinh tế.

Đây cũng là giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Không thể phủ nhận, sau gần 30 năm “sắp xếp, đổi mới,” đến nay việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường trên cả nước đã có bước chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai; thậm chí nhiều công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng còn buông lỏng quản lý để mất rừng với hơn một nửa diện tích được giao trước đó.

Trong khi đó, nhiều địa phương thi hành các “mệnh lệnh” về quản lý, sử dụng đất nông lâm trường còn mang tính trên giấy; nhiều nơi vẫn chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hệ quả của thực trạng trên là cả nước hiện có khoảng 58.000 hộ dân đang thiếu đất ở, hơn 300.000 hộ dân tại các vùng “lõi nghèo của cả nước” đang thiếu đất sản xuất.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng trên, mời độc giả cùng phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đi vào thực tế điều tra – từ đó hiểu vì sao Nhà nước đã ban hành rất nhiều “quyết sách lớn” đốc thúc các địa phương triển khai đổi mới nhưng rừng vẫn bị mất; đất đai liên tiếp bị lấn chiếm, tranh chấp; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất sản xuất ở mức cao.

Trên cơ sở thông tin đã ghi nhận, Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải loạt bài “Giải phóng đất nông lâm trường: Cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn” như một hồi chuông cảnh tỉnh, lời kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách lưu ý, sớm triển khai các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể hơn, để không gây lãng phí nguồn lực đất đai cũng như giải quyết được hiệu quả vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước.

Bài 1: 30 năm mới "đổi mới" phần ngọn

Trước bối cảnh các nông lâm trường quốc doanh đang bộc lộ nhiều yếu kém do được giao quá nhiều diện tích rừng và đất nhưng “đuối sức” trong quản lý, sử dụng không hiệu quả, bắt đầu từ năm 1991, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường. Đến nay, việc triển khai các “quyết sách” liên quan đến đời sống của hàng vạn người dân đã bước vào năm thứ 30.

Không thể phủ nhận, sau gần 3 thập kỷ điều chỉnh, các nông lâm trường đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những đổi thay ấy vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Đầu tháng 10/2020, phóng viên VietnamPlus nhận được thông tin từ một số chuyên gia, tổ chức nghiên cứu rằng hiện nay tình trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường đang rất phức tạp.

Nhiều công ty lâm nghiệp “ôm” quá nhiều đất – dù đã “sắp xếp đổi mới,” nhưng tình hình sản xuất vẫn không hiệu quả; trong khi đồng bào dân tộc thiểu số tại các “vùng lõi nghèo của cả nước” vẫn thiếu đất sản xuất, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Một trong những lý do dẫn tới thực trạng trên là việc triển khai sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh vẫn còn mang nặng tính hình thức. Nghĩa là các nông, lâm trường mới chỉ tập trung vào “phần ngọn” là sắp xếp tổ chức (đổi tên gọi từ nông lâm trường quốc doanh thành ban quản lý hoặc công ty nông, lâm nghiệp.)

Trong khi đó, “phần gốc rễ” của việc đổi mới là rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất còn ít được quan tâm; chưa có sự thay đổi căn bản về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý và điều hành dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp.

Đáng nói hơn là phần lớn các địa phương không chủ động xây dựng phương án đổi mới mà để cho các nông, lâm trường “tự rà soát, tự đánh giá” và chưa có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, nhất là sự tham gia của người dân địa phương.

Mặt khác, các nông lâm trường vẫn quản lý, sử dụng gần như toàn bộ diện tích được giao, chỉ có những khu vực nào thực sự bị tranh chấp, bị lấn chiếm – mới trả lại. Thế nhưng, phần lớn diện tích đất trả lại cũng không còn quản lý được nữa vì thực chất dân đã sản xuất kinh doanh, sử dụng từ lâu đời.

Hệ quả của việc “thay bình chưa thay rượu” trên là sau gần 30 năm đổi mới, từ 663 nông lâm trường quốc doanh (một số nông lâm trường hoạt động thua lỗ đã giải thể) được sắp xếp lại còn 252 công ty nông, lâm nghiệp song tình trạng tranh chấp, mua bán, chuyển nhượng đất đai vẫn xảy ra.

Thậm chí, một số công ty còn để mất đất, mất rừng với hơn một nửa diện tích từng được Nhà nước giao quản lý trước đó…

Trong chuyến đi thực tế tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắ Nông, chúng tôi đã thực sự đau xót khi tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục quả đồi từng được Nhà nước giao cho các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp quản lý – nay cây cối bị chặt hạ, đốt cháy, bỏ hoang, chẳng khác gì những “cánh rừng chết.”

Chỉ riêng trên quãng đường từ tỉnh Kon Tum qua tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến trên dưới 20 lần cảnh những vạt rừng bị thiêu rụi. Tiếng máy cưa xăng “thở dốc” khi đốn hạ cây cối vang khắp núi rừng. Hàng trăm ngôi nhà, kho xưởng và cả trụ sở xã được xây dựng trên đất nông, lâm trường… 

Tất cả những cảnh tượng đó đã góp phần tạo nên “bức tranh màu xám,” một thực tế không thể phủ nhận, đó là rừng Tây Nguyên đã và đang bị mất, bị xâm lấn do việc giám sát, quản lý yếu kém việc chuyển đối đất nông lâm trường.

Theo dữ liệu phóng viên thu thập được, trong vòng 10 năm (giai đoạn từ 2010-2020), diện tích rừng trên cả nước đã bị mất khoảng hơn nửa triệu hécta. Riêng năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 2.575 hécta. Trong 8 tháng năm 2020, diện tích rừng bị thiệt hại 1.881,1 hécta; trong đó thiệt hại do cháy là 1.362,9 hécta.

Tại khu vực Tây Nguyên, trong giai đoạn này, rừng đã bị mất khoảng 0,314 triệu hécta; tốc độ mất rừng tự nhiên bình quân vào khoảng 46.267 hécta/năm.

Về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, vùng Tây Nguyên có hơn 750 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 48.980ha.

Kết quả phân tích biến động sử dụng đất lâm nghiệp cho thấy trong giai đoạn 2014-2017, có tới 13% diện tích rừng bị mất đã được chuyển sang sản xuất nông nghiệp như càphê, sắn, tiêu hoặc cây sản xuất hàng năm. Tuy nhiên, nhiều diện tích trong số đó trong quá trình sản xuất đã không mang lại hiệu quả.

Đơn cử như tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, trước đây, đất của các hộ dân sinh sống ở xã này thuộc quản lý của lâm trường Ea Tul sau chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, nhưng người dân xâm canh, lấn chiếm và chuyển mục đích sử dụng thành đất ở.

Ngay cả diện tích đất canh tác cũng thuộc về ban quản lý rừng phòng hộ, nhưng do người dân bản địa xâm chiếm, sau bán lại cho các hộ gia đình người Kinh và chuyển quyền sử dụng sang chính chủ.

Theo người dân xã Ea Wer, đất rừng giao cho ban quản lý rừng phòng hộ quản lý và sử dụng không hiệu quả, hay nói cách khác “ban quản lý còn đất chứ không còn rừng”…

Tiến sĩ Trương Thị Hạnh, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, cho biết từ khi sắp xếp, đổi mới đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk có 13 công ty lâm nghiệp đang quản lý khoảng 200.000ha.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 24/BC-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh này về “thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn từ năm 2004-2014,” trong số 13 công ty lâm nghiệp trên chỉ có 1 đơn vị sản xuất duy nhất có mức lãi 4,9% sau thuế, 8 công ty chỉ đạt mức lãi thấp dưới 0,1% và 4 đơn vị thua lỗ.

Bên cạnh việc sử dụng đất kém hiệu quả, nhiều công ty lâm nghiệp còn sử dụng đất sai mục đích, bỏ hoang đất, rừng cũng như để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp đất.

Theo kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá các dự án phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, năm 2017 đã có hơn 16.254ha đất sử dụng sai mục đích; trên 3.786ha đất chưa sử dụng; hơn 12.598ha diện tích đất xảy ra tranh chấp…

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk khẳng định có rất nhiều lý do dẫn tới việc phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất nông, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu nhất là do tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do đến địa phương vẫn tiếp tục diễn ra, chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, các chủ rừng còn buông lỏng quản lý rừng và đất lâm nghiệp;

Đặc biệt là một số trường hợp làm ngơ, tiếp tay cho một số đối tượng lấn chiếm, mua bán đất rừng, trục lợi trái phép,… dẫn tới nhiều diện tích đất bị lấn chiếm trong thời gian dài.

Tại Kon Tum – tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất so với các tỉnh còn lại ở khu vực Tây Nguyên, sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, hiện nay trên toàn tỉnh còn 7 công ty trách nhiệm nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp quản lý gần 280.000ha rừng và đất rừng (chiếm 37,4 diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh) do UBND tỉnh quản lý. Nhưng sau khi rà soát, diện tích còn lại hiện nay là 258.000ha, bị hụt so với trước gần 22.000ha.

Toàn tỉnh Kon Tum có hơn 32.000ha đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm để làm nương rẫy, thậm chí Ủy ban Nhân dân các huyện cũng “giao nhầm đất” cho người dân “chồng” lên diện tích của các lâm trường.

Một trong những hạn chế lớn nhất là việc hồ sơ kỹ thuật, số liệu diện tích đất giữ lại và trả về địa phương còn có sự chênh lệch nhau do số liệu chủ yếu dựa vào sổ sách mà chưa thực hiện công tác chi tiết như đo đạc, kiểm kê đất đai để xác định ranh giới, cắm mốc thực địa.

Chính vì thế, nhiều công ty lâm nghiệp ở các địa phương đã không quản lý được, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp…

Đối lập với thực trạng các ban quản lý rừng, công ty nông lâm nghiệp được giao quản lý quá nhiều đất nhưng hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn lực đất đai…, trong vòng 30 năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi – nơi đang là “vùng lõi nghèo của cả nước”  vẫn đang gặp khó khăn do không có hoặc thiếu đất sản xuất.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh Hoàng Văn Quân (38 tuổi, dân tộc Dao ở bản Qoa, xã Tân Dương, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết là người dân tộc thiểu số sinh ra và gắn bó với núi rừng – bao năm qua, gia đình nhỏ với 5 nhân khẩu của anh chỉ biết trông cậy vào “nồi cơm” duy nhất là 1 sào ruộng và 1 hécta đất rừng do ông bà khai hoang canh tác từ lâu đời để lại.

“Với nguồn tư liệu đất đai ít ỏi trên, hàng ngày, hai vợ chồng tôi cần mẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cày cuốc để trang trải cuộc sống. Cứ tưởng cố gắng rồi trời thương, ai ngờ – năm ngoái, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai lại có quyết định thu hồi 1 hécta đất nằm xen kẽ trong rừng phòng hộ bấy lâu nay gia đình đang sử dụng (nhưng không có sổ đỏ), để triển khai dự án trạm nghiên cứu thực nghiệm mây tre.

Vậy là, ‘nồi cơm bể đôi.’ Thiếu đất sản xuất, đói nghèo, gần năm nay, tôi đã phải đi khắp nơi làm thuê làm mướn để 3 đứa con không phải bỏ học giữa chừng. Thiếu đất sản xuất vất vả lắm anh ạ!” anh Quân rưng rưng chia sẻ.

Không chỉ riêng hộ gia đình anh Quân, hiện nay trên địa bàn xã Tân Dương còn khoảng hơn 100 hộ cũng đang thiếu đất sản xuất. Phần lớn đồng bào đã và đang thiếu đất đều rất khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống.

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế-xã hội đối với 53 dân tộc thiểu số, hiện nay cả nước có đến 68,5% hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu cần thêm đất để sản xuất; trong đó nhiều nhóm dân tộc ở Tây Nguyên có trên 80% số hộ thiếu đất sản xuất.

Đáng chú ý, mặc dù thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo, song theo báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc Hội mới đây về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đến năm 2020, nước ta vẫn còn 58.000 hộ dân thiếu đất ở và 303.578 hộ thiếu đất sản xuất.

Những con số này cho thấy vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều vướng mắc cần được quan tâm nghiêm túc và có giải pháp triệt để hơn.

Thực tế trên cũng đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thẳng thắn chỉ ra rằng việc “giải phóng” nguồn lực đất đai mới chỉ làm được một phần và vẫn còn những xung đột, nhiều thủ tục là rào cản trong tiếp cận đất đai…

Đơn cử như vùng Tây Nguyên, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), dân số của toàn vùng này có hơn 5.800 nghìn người với 47 dân tộc sinh sống, trong đó có khoảng 37 dân tộc ít người.

Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều tại khu vực này khá cao, chiếm 13,8%; cao hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 8,4%.

Vì thế, để đảm bảo đời sống của người dân, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng một số mô hình sản xuất nông lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp để nâng cao thu nhập, đời sống, ổn định sản xuất cho người dân.

Tuy nhiên, đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp không được cấp sổ đỏ, không được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, không được vay vốn đầu tư… dẫn đến tình trạng người dân thiếu ăn, vay nặng lãi, đến khi thu hoạch phải trả lãi khá cao. Có trường hợp do mất mùa, không có tiền trả nợ, một số hộ gia đình đã phải trả nợ bằng nhà, bằng rẫy đang canh tác.

Thực tế trên đã tạo áp lực đến sinh kế của người dân. Đơn cử như tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), hộ nghèo chiếm 39%; huyện Đắk Glong (Đắk Nông) 40,9%…

Nêu con số tổng quan hơn, ông Triệu Văn Bình, Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho biết Tây Nguyên hiện có 180 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng đang quản lý trên 2,6 triệu hécta.

Nguồn gốc đất của các công ty này quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế nhưng chậm được khắc phục, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Hệ quả là khu vực Tây Nguyên hiện còn có khoảng 15.846 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, 32.000 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

“Ngoài ra, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất, không có việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, dẫn đến người dân tự phát chặt phá, đốt rừng lấy đất làm nương rẫy,” ông Bình nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trương Thị Hạnh, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cũng cho rằng một số công ty lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới vẫn chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thậm chí có công ty còn khoán trắng, lợi dụng đất của nhà nước giao để “phát canh thu tô;” không hoặc ít đầu tư làm dịch vụ nông nghiệp cũng không thay đổi định mức khoán; vườn cây giao khoán đã hết khấu hao nhưng các công ty vẫn tiếp tục thu sản phẩm nên người dân chống đối, đòi công ty trả đất về địa phương để địa phương giao cho người dân.

Trong khi đó, cơ chế chính sách, pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai, sử dụng rừng, quản lý dân cư còn nhiều bất cập, chồng chéo. Các chính sách và nguồn lực đầu tư để tạo động lực thúc cho các lực lượng tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, cơ chế chính sách còn bất cập.

Còn tiếp, Bài 2: ‘Phát canh thu tô’: Mô hình liên kết ‘tư lợi’ trên lưng dân nghèo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục